Mạng xã hội: Lợi - hại song trùng

Ra đời cách đây chỉ hơn 15 năm nhưng các trang mạng xã hội đã có bước tiến vượt bậc, làm thay đổi cách thức giao tiếp của hàng tỷ người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội cũng tạo ra những nguy cơ mới, trong đó có việc khiến người sử dụng ngày càng xa dần thế giới thực.

Ra đời cách đây chỉ hơn 15 năm nhưng các trang mạng xã hội đã có bước tiến vượt bậc, làm thay đổi cách thức giao tiếp của hàng tỷ người. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, mạng xã hội cũng tạo ra những nguy cơ mới, trong đó có việc khiến người sử dụng ngày càng xa dần thế giới thực.

Thế giới trong tầm tay

Nhờ mạng xã hội, trái đất dường như trở nên nhỏ bé hơn và khoảng cách địa lý không còn ý nghĩa bởi nó có khả năng lan truyền thông tin với tốc độ đáng kinh ngạc. Tháng 3 năm nay, khi Nhật Bản bị thảm họa động đất, sóng thần, ngay lập tức có hàng triệu lời chia sẻ, cảm thông và kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân thông qua Twitter, Facebook, My Space và các mạng xã hội khác.

Theo thống kê của Tweet-o-Meter, trang mạng Twitter đã đạt kỷ lục 1.200 tin/phút trong chưa đến 1 giờ sau khi xảy ra thảm họa. Đồng thời các mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều câu chuyện cảm động về bạn bè, người thân tìm được nhau sau thảm họa.

Mạng xã hội còn là cầu nối giao lưu hiệu quả, ít tốn kém giữa doanh nghiệp với khách hàng. Lợi ích lớn nhất khi sử dụng các mạng xã hội trong công việc kinh doanh là “hiệu ứng lây lan”.

“Trong tương lai, có thể khách hàng sẽ chỉ truy cập vào các mạng xã hội chứ không quan tâm tới các trang web doanh nghiệp nữa” - GS. Marc Diviné, chuyên giảng dạy quản lý sáng tạo và marketing doanh nghiệp, Trung tâm Đào tạo quản lý Pháp Việt (TPHCM), nhận xét.

GS. Diviné đã đưa ra thí dụ của doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội thành công là Ducati. Hãng sản xuất xe gắn máy của Italia đã tạo dựng môi trường mạng xã hội dành riêng cho cộng đồng yêu thích những kiểu xe khác nhau của mình. Ducati cũng tổ chức thi tuyển qua mạng tìm ra những người có tài “độ” xe giỏi nhất, làm chiếc xe trở nên đẹp và mạnh hơn.

Sau đó, hãng sẽ mua lại những mẫu xe đoạt giải để nghiên cứu, ứng dụng vào thiết kế. Đó là chưa kể nhờ tạo ra các mạng xã hội, một số người trở thành tỷ phú.

Ngày nay lượng người sử dụng mạng xã hội đang lớn dần. Số thành viên của Facebook đã lên đến 800 triệu người, Twitter được 150 triệu người. Google+ (mạng xã hội mới ra đời đầu tháng 7 năm nay) cũng thu nạp được hàng chục triệu thành viên.

 Mặt trái trong xã hội “ảo”

Không thể phủ nhận mặt tích cực nhưng mạng xã hội cũng đang bộc lộ những mặt trái. Theo Nielsen, một công ty nghiên cứu thị trường, một tháng tại Hoa Kỳ, mỗi người dùng Facebook trung bình tốn khoảng 7 giờ 46 phút. GS. Sherry Turkle, Học viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ), lo ngại công nghệ đang thống trị thế giới và khiến chúng ta trở nên “ít con người hơn”.

Giờ đây, thay vì ra ngoài gặp gỡ bạn bè, nhiều người chỉ ngồi ở nhà tiếp xúc với bạn của mình qua mạng xã hội. Tại Anh, một phụ nữ Simone Back đã bày tỏ trên Facebook rằng muốn tự tử. Tuy nhiên, không ai trong số 1.000 “người bạn” trên Facebook quan tâm giúp đỡ. Thậm chí có người còn cho cô là kẻ nói dối và khuyên “uống hết thuốc của mình đi”.

Kết quả: Simone Back uống thuốc thật và qua đời. Graham Bell, thuộc tổ chức Brighton and Hove Depression Alliance, nhận xét: “Con người cần những người bạn trong thế giới thật hơn ở thế giới ảo”.

Một nguy cơ nữa của mạng xã hội là thông tin cá nhân có thể bị tiết lộ. Một số doanh nghiệp thường tìm hiểu những ứng viên xin việc thông qua mạng xã hội. Một bức ảnh hay phát ngôn không đứng đắn trên mạng xã hội cũng khiến cơ hội kiếm việc làm tan biến.

Không chỉ có vậy, trò đùa nơi công ty cũng dẫn đến thất nghiệp. 8 nhân viên của Woolworths, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Australia, đã bị đuổi việc vì chụp ảnh nằm sấp trên giá để hàng, trên xe đẩy hàng, quầy trưng bày sản phẩm mẫu… rồi chia sẻ trên Facebook.

GS. Diviné chia sẻ, doanh nghiệp khuyến khích người tiêu dùng bàn luận về sản phẩm của mình cũng là con dao hai lưỡi. Bởi nếu sản phẩm chất lượng không tốt, khách hàng sẽ chỉ bình luận về những điểm yếu. Nếu như thế thì “lợi bất cập hại”.

Tuy nhiên, những lợi ích của mạng xã hội là điều không cần phải bàn. Vấn đề ở chỗ nó được người dùng sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả tích cực cho cộng đồng.

Các tin khác