Lo ngại gia đình trị các tập đoàn Hàn Quốc

(ĐTTCO) - Cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Bon-moo qua đời. 

Tập đoàn của Hàn Quốc dự kiến tổ chức một cuộc họp cổ đông bất thường vào tháng tới để thông qua quyết định bổ nhiệm ông Koo Kwang-mo, trưởng nam của cố Chủ tịch Koo Bon-moo, hiện đang giữ cương vị Giám đốc Công ty Điện tử LG, trở thành Chủ tịch của Tập đoàn. Như vậy, LG sẽ tiếp tục thực hiện mô hình “cha truyền con nối” thế hệ thứ tư.

LG có 2 nguyên tắc chính về kế vị vai trò lãnh đạo. Nguyên tắc thứ nhất, chuyển giao quyền điều hành của tập đoàn cho con trai cả của chủ tịch. Nguyên tắc thứ hai, Chủ tịch Hội đồng quản trị phải rời bỏ vị trí quản lý khi hơn 70 tuổi. Truyền thống chuyển giao quyền lực cho trưởng nam đã được bắt đầu ngay từ nhà đồng sáng lập LG là cố Chủ tịch Koo In-hwoi. Truyền thống đặc biệt này của LG khác hoàn toàn so với các tập đoàn khác ở Hàn Quốc, nơi thường chứng kiến cảnh “huynh đệ tương tàn” trong quá trình chuyển giao quyền lực. 
LG sẽ trở thành tập đoàn đầu tiên của Hàn Quốc bước sang thế hệ lãnh đạo đời thứ tư, nếu ông Koo Kwang-mo tiếp nhận vị trí chủ tịch tập đoàn. Tuy nhiên, ông Koo Kwang-mo sẽ phải trả số tiền 900 triệu USD tiền thuế nếu ông tiếp nhận toàn bộ số cổ phần từ người cha quá cố của mình với giá trị lên tới 1,76 tỷ USD.
Lo ngại gia đình trị các tập đoàn Hàn Quốc ảnh 1 Ông Koo Kwang-mo sẽ trở thành Chủ tịch của Tập đoàn LG đời thứ tư. 
Tập đoàn Samsung gần đây cũng đang chuyển giao quyền lực từ Chủ tịch Lee Kun-hee cho con trai là Lee Jae-yong, tuy nhiên quá trình này đang gặp trở ngại lớn trước phán quyết sắp tới của Tòa án tối cao Hàn Quốc. Tập đoàn Hyundai cũng đang vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ liên quan đến mô hình quản lý doanh nghiệp, bước đi đầu tiên đánh vào mô hình kế vị doanh nghiệp. Những lo ngại về hình thức thừa kế quản lý tại các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng. 
Nhiều người đặt câu hỏi liệu hình thức kế vị “cha truyền con nối” tại các tập đoàn gia đình tài phiệt có hợp pháp hay không. Sẽ không có vấn đề gì nếu quá trình này tuân thủ pháp luật, hoàn trả các loại thuế liên quan một cách đúng đắn, và chuyển đổi mô hình cơ cấu tổ chức công ty sang công ty chủ vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình chuyển giao quyền điều hành lại hay xảy ra các động thái trốn thuế. Thí dụ điển hình là vụ bê bối lạm dụng quyền lực gần đây tại Tập đoàn Hanjin.
Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao các tập đoàn Hàn Quốc vẫn cho phép thế hệ đời thứ ba và thứ tư nghiễm nhiên tham gia vào việc điều hành công ty, thay vì một mô hình cạnh tranh công bằng và chuyên nghiệp như các công ty nước ngoài. Trên thực tế, một số thành viên trong gia đình tiếp nhận các vị trí quản lý khi họ mới vừa bước vào độ tuổi 30, với chỉ 4-5 năm kinh nghiệm làm việc, khiến dư luận hoài nghi liệu họ có đủ năng lực để đảm đương cương vị lãnh đạo hay không. 
Theo chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin, chính những lý do vừa đề cập ở trên, nhiều người chỉ ra rằng các tập đoàn gia đình tài phiệt này cần phải nỗ lực để đảm bảo chuyển đổi quyền điều hành một cách minh bạch hơn. Tính hợp pháp là cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền kinh doanh theo mô hình kế vị. Một công ty có thể được điều hành bởi một người quản lý chuyên nghiệp hoặc một thành viên trong gia đình chủ sở hữu. Mỗi hình thức đều có ưu, nhược điểm riêng.
Tính đến nay, các tập đoàn Hàn Quốc chủ yếu dựa trên hình thức kế vị. Nếu các thành viên trong gia đình chủ sở hữu tiếp nhận quyền kế vị hợp pháp tại các công ty, họ cần phải chứng minh năng lực quản lý của mình. Thí dụ, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee đã đạt được những thành tựu đáng kể thông qua hoạt động kinh doanh chíp bán dẫn của công ty. Đối với những người kế vị và thừa kế công ty gia đình tài phiệt, việc thể hiện năng lực và tạo ra những kết quả tích cực tương tự là một nhiệm vụ lớn, và được xem như một nghi thức thông qua của tiến trình chuyển giao quyền lực.

Các tin khác