Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

Lịch sử được viết tại Singapore

(ĐTTCO) - “Với việc thừa nhận rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên được tổ chức trong lịch sử là một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt và vượt qua những căng thẳng, thù địch trong nhiều thập kỷ qua giữa hai nước và để mở ra một tương lai mới.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết thực thi các quy định trong bản tuyên bố chung này một cách đầy đủ và nhanh chóng”, trích Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sáng 12-6 tại đảo Sentosa, Singapore.
Bắt đầu từ cái bắt tay
Trước khi bước vào đàm phán tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa ở Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cái bắt tay lịch sử, trở thành những nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đầu tiên gặp mặt trực tiếp nhằm tìm giải pháp chấm dứt vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Donald Trump và ông Kim Jong-un bước đi trên thảm đỏ, tiến về phía nhau và gần như đồng thời, hai lãnh đạo chủ động giơ tay để bắt tay nhau. Bình luận về cái bắt tay lịch sử kéo dài 12 giây giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un, Jean H. Lee, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson, cho rằng “đây là thời khắc đáng nhớ với người dân Triều Tiên. Triều Tiên sẽ ăn mừng giây phút này bởi Mỹ đã thừa nhận và đối xử với Triều Tiên là một quốc gia ngang hàng”.
Sau cái bắt tay lịch sử, Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên đã bắt đầu cuộc họp riêng kéo dài khoảng 45 phút. Hai nhà lãnh đạo đã có phát biểu ngắn trước báo giới trước khi hội đàm. Theo hãng tin Yonhap, Tổng thống Donald Trump nói: “Chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận tuyệt vời và tôi nghĩ rằng sẽ thành công lớn. Đó là vinh dự của tôi. Chúng ta sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời, tôi không nghi ngờ gì nữa”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói với Tổng thống Donald Trump: “Rất vui được gặp ngài” và rằng “quá khứ đã từng là vật cản, những định kiến và tập quán xưa cũ đã ngáng đường, nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả mọi thứ để có mặt tại đây”. 
Sau cuộc gặp riêng giữa hai nhà lãnh đạo là cuộc hội đàm giữa phái đoàn Triều Tiên và phái đoàn Mỹ do nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump chủ trì. Theo thông báo của Nhà Trắng, tham gia hội đàm, đoàn Mỹ có Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton. Phía Triều Tiên, theo Yonhap, có ông Kim Yong-chol, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên; Ri Su-yong, Phó Chủ tịch đảng phụ trách các vấn đề quốc tế và Ngoại trưởng Ri Yong-ho. Vào buổi trưa, hai bên có buổi ăn trưa và làm việc với sự tham gia của Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim. 
Ký thỏa thuận ngoài dự kiến
Phát biểu sau buổi lễ ký kết thỏa thuận kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Triều Tiên có đồng ý giải trừ vũ khí hạt nhân hay không, Tổng thống Donald Trump cho biết tiến trình này sẽ bắt đầu “rất nhanh, rất nhanh”. Tổng thống Mỹ nói thêm rằng: “Chúng tôi đã ký một thỏa thuận vô cùng quan trọng, một tài liệu khá toàn diện”. Theo CNN, cũng tại lễ ký kết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói: “Chúng tôi có cuộc gặp lịch sử và quyết định gác lại quá khứ và ký kết văn kiện lịch sử. Thế giới sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn”. Tổng thống Mỹ khẳng định sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên thêm nhiều lần nữa cũng như mời ông Kim Jong-un tới thăm Mỹ.
Lịch sử được viết tại Singapore ảnh 1 Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Việc ký thỏa thuận không có trong chương trình lúc đầu và phải mất khá lâu sau giờ nghỉ trưa, Tổng thống Mỹ mới thông báo việc ký kết thỏa thuận. Theo CNN, Tổng thống Donald Trump cho biết “Không ai có thể ngờ được cuộc hội đàm lại tốt như vậy”. Ông Donald Trump đưa ra nhận xét ngắn với báo chí như vậy khi cùng ông Kim Jong-un đi dạo xung quanh khách sạn Capella trong thời gian giải lao. 
Theo Yonhap, Mỹ xem việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mục tiêu hàng đầu, có thể xác minh và không thể đảo ngược trong khi Triều Tiên ủng hộ một cách tiếp cận rộng hơn bao gồm việc loại bỏ “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản.  Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết mục tiêu của Mỹ là không thay đổi. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Mỹ sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Triều Tiên một cách đặc biệt so với những gì họ đã tuyên bố trước đây. Hai bên cũng có thể cố gắng tuyên bố kết thúc chính thức Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 như một sự đảm bảo an ninh cho cả hai.
Thắp lên niềm hy vọng
Theo Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các thành viên khác của nội các đã hoãn cuộc họp hàng tuần trong hơn 10 phút để xem truyền hình trực tiếp phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. Ông Moon Jae-in bày tỏ hy vọng sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều Tiên sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của một bán đảo Triều Tiên hòa bình, không hạt nhân. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ chỉ là khởi đầu của cái mà ông gọi là “quá trình dài” để thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. 
Ngày 12-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao kết quả hội nghị thượng đỉnh; khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa và hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết mọi vấn đề bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và mong rằng việc triển khai các thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị lần này sẽ mang lại kết quả tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận định việc hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể ngồi cùng nhau, đối thoại bình đẳng đã “mang một ý nghĩa quan trọng và tích cực, cũng như tạo nên một lịch sử mới”. Ông Vương Nghị đánh giá nút thắt trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chính là an ninh và điều khó khăn, quan trọng nhất trong vấn đề an ninh này là Mỹ, Triều Tiên phải cùng ngồi lại để tìm ra phương thức giải quyết thông qua đối thoại bình đẳng. 
Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky khẳng định vấn đề Triều Tiên chỉ có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao. Cụ thể, cần từng bước tiến về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời giảm dần các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Theo ông Slutsky, nên nối lại cơ chế đàm phán 6 bên để đảm bảo tiến trình hòa bình xung quanh Triều Tiên, trong đó “lộ trình” do Nga và Trung Quốc đề xuất là một công cụ đảm bảo hữu hiệu. Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Frants Klintsevych cho rằng kết quả cuối cùng của cuộc gặp phải là xây dựng một kế hoạch hành động tổng thể chung, được cả cộng đồng quốc tế, bao gồm cả ở cấp Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, kiểm soát việc triển khai.
 Một số điều cụ thể nêu trong tuyên bố chung
 1. Mỹ, Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ song phương thể theo nguyện vọng của người dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.
2. Mỹ, Triều Tiên sẽ cùng tham gia các nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
3. Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom được đưa ra ngày 27-4-2018, Triều Tiên cam kết hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
4. Mỹ, Triều Tiên cam kết tìm hài cốt tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), sẽ lập tức đưa những bộ hài cốt đã được nhận dạng về nước.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump “cam kết đảm bảo an ninh” cho Triều Tiên.
 Mỹ sẽ ngừng tập trận chung với Hàn Quốc
Tại buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ vẫn duy trì cấm vận Triều Tiên cho đến khi nào việc giải trừ vũ khí hạt nhân được xác nhận. Theo Tổng thống Donald Trump, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ sớm bắt đầu. Hãng tin CNN cho biết, Tổng thống Mỹ mong muốn được thăm Triều Tiên vào thời điểm thích hợp và đó là điều ông rất mong đợi. Ông Donald Trump cho biết thêm rằng ông cũng đã mời ông Kim Jong-un thăm Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhận lời. 
Tổng thống Donald Trump tin tưởng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thực hiện thỏa thuận đã ký sau hội nghị thượng đỉnh. “Ông ấy rất kiên định về những việc ông ấy muốn làm và tôi nghĩ ông ấy còn mong muốn thực hiện thỏa thuận nhiều hơn cả tôi”, ông Donald Trump nói. Cũng tại buổi họp báo, ông Donald Trump khen ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là người lãnh đạo có năng lực, điều hành đất nước khi tuổi còn trẻ. Tổng thống Mỹ cho biết ông hy vọng cuộc chiến Triều Tiên cuối cùng sẽ chấm dứt sau hơn 70 năm kể từ khi bắt đầu. “Quá khứ không thể định hình tương lai. Cuộc xung đột ngày hôm qua không phải là cuộc chiến tranh ngày mai. Lịch sử chứng minh nhiều lần rằng mọi sự đảo ngược đều có thể để chúng ta trở thành bạn bè”, Tổng thống Donald Trump nói và cho biết Mỹ sẽ ngừng tập trận chung với Hàn Quốc vì đó là hành động khiêu khích và gây tốn kém ngân sách khủng khiếp.
Chiều 12-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã rời Singapore lên đường về nước.

Các tin khác