Thượng đỉnh Nga-Mỹ

Kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương

(ĐTTCO) - Hơn 1 ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki (Phần Lan), trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đánh giá mối quan hệ giữa Washington với Moscow - vốn ở mức tồi tệ nhất từ trước đến nay - đang được cải thiện và sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai. 

Bàn nhiều vấn đề “nóng”
Nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ cho biết trong cuộc gặp riêng với Tổng thống V.Putin, 2 bên đã thảo luận về vấn đề Triều Tiên, Trung Đông, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Syria và tham vọng hạt nhân của Iran. Ông D.Trump bày tỏ hy vọng vào một thời điểm nào đó, Iran sẽ liên lạc với Hoa Kỳ và 2 bên có thể đi đến một thỏa thuận. Bên cạnh đó, Tổng thống D.Trump cho hay ông và người đồng cấp V.Putin đã đề cập đến việc cắt giảm vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. 
Tổng thống Hoa Kỳ cho rằng mình đã “phát biểu nhầm” trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga tại Helsinki. Tổng thống Trump cho biết trong cuộc họp báo đó, ông muốn nói rằng ông “không thấy lý do gì để Nga không phải là thủ phạm can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ”.
Bên cạnh đó, ông D.Trump cũng bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ đối với các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ, đồng thời lưu ý rằng sự can thiệp của Nga không ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, khẳng định Washington sẽ làm mọi cách để bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. 
Đề cập đến vấn đề Triều Tiên, Tổng thống D.Trump cho rằng “không có giới hạn về thời gian” đối với việc hủy bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Phát biểu này dường như trái với những đòi hỏi trước đó của Washington yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa ngay lập tức.
Kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương ảnh 1 Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki (Phần Lan). 
Phát biểu trên của Tổng thống Hoa Kỳ được đưa ra khoảng hơn 1 tháng sau cuộc gặp giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, vốn được đánh dấu bằng việc Bình Nhưỡng cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” để đổi lấy sự đảm bảo an ninh của Washington. Hồi đầu năm, ông D.Trump từng cáo buộc các chính quyền trước đây tiến hành đàm phán “từng bước một” với Triều Tiên mà rốt cuộc đã bị đổ vỡ và cho phép Bình Nhưỡng “câu giờ” để phát triển kho vũ khí hạt nhân.

Ngăn chặn cuộc chiến ngoại giao
Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga Andrei Kortunov nhận định cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống V.Putin và người đồng cấp Hoa Kỳ D.Trump hôm 16-7 có thể giúp chấm dứt tranh cãi ngoại giao và bắt đầu tiến trình đối thoại mang tính xây dựng ở các cấp thấp hơn.
Chuyên gia Kortunov nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ có thể ngăn chặn một cuộc chiến ngoại giao và khởi động hợp tác Nga-Hoa Kỳ ở cấp thấp hơn”. Ông Kortunov giải thích quan hệ Nga-Hoa Kỳ phát triển truyền thống từ trên xuống-theo thứ tự các tổng thống gặp nhau, đạt được thỏa thuận và sau đó “bánh răng” của các bộ máy liên quan lớn bắt đầu di chuyển-các quan chức, nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội và tình báo sẽ tham gia. 
Theo chuyên gia trên, hợp tác song phương trước hết sẽ hướng đến việc giải quyết vấn đề Syria và giải trừ hạt nhân. Ông bày tỏ tin tưởng sẽ sớm thấy kết quả ở Syria, đồng thời nhấn mạnh: “Công việc sẽ bắt đầu hướng tới ổn định chiến lược. Điều này cũng liên quan đến Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 (INF) và Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) và có thể một số cuộc đối thoại thêm về vấn đề này”.
Theo ông Kortunov, Hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki có thể được xem như kết quả tích cực, song nhiều người tại Hoa Kỳ lại không coi đó là một thành công, và đã chỉ trích ông D.Trump vì lập trường không đủ cứng rắn của ông. Chuyên gia này cho rằng một bộ phận giới cầm quyền ở Hoa Kỳ cũng sẽ tìm cách phá hoại các thỏa thuận này. Ông thừa nhận việc cải thiện quan hệ sẽ luôn là một tiến trình khó khăn và chậm chạp. 
Trong khi đó, hãng tin Sputnik của Nga cho rằng nhiều thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ bắt tay với giới truyền thông phương Tây cố gắng khắc họa hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nga là một vụ bê bối nhằm ngăn cản sự hợp tác giữa Washington và Mosow.
Theo Sputnik, tại cuộc gặp ở Helsinki, Tổng thống Nga đã đưa ra một loạt đề xuất mang tính xây dựng nhằm tăng cường quan hệ và thúc đẩy hợp tác về an ninh mà được người đồng cấp Hoa Kỳ D.Trump hoan nghênh. Tuy nhiên, cả 2 đảng chính trị tại Hoa Kỳ đều chỉ trích ông chủ Nhà Trắng đã không nêu ra những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ với ông V.Putin, điều mà Nga đã nhiều lần bác bỏ. 
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định ông sẽ không coi Nga là kẻ thù của Washington, đồng thời nhấn mạnh khả năng hợp tác và chung sống hòa bình. Trả lời phóng vấn hãng Fox News ngày 17-7, Tổng thống D.Trump cho biết: “Tôi thậm chí sẽ không sử dụng từ “kẻ thù” (dành cho Nga).
Chúng tôi có thể hợp tác. Chúng tôi có thể làm rất tốt và chung sống trong hòa bình... Tôi không phải là người ủng hộ Nga hay bất cứ ai. Tôi chỉ muốn đất nước này được an toàn”. Trước đó, trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp nghị thượng đỉnh tại Helsinki, ông D.Trump cũng tuyên bố không bao giờ coi ông Putin là địch thủ, mà miêu tả ông này là một “đối thủ tốt”.

Khả năng đối thoại quốc phòng
Các quan chức Hoa Kỳ tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng nước này James Mattis để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc đối thoại lần đầu tiên kể từ năm 2015 giữa các quan chức quốc phòng hàng đầu của Nga và Hoa Kỳ, một động thái sẽ củng cố liên lạc giữa Washington và Moscow. Tiết lộ trên được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Helsinki.
Theo đó, các cuộc thảo luận dự kiến giữa ông Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sẽ là bước tiến nữa hướng tới các cuộc đối thoại chính trị cấp cao thường xuyên hơn giữa 2 cường quốc hạt nhân sau một thời gian quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Từ năm 2015, các cuộc đối thoại quân sự cấp cao nhất đã diễn ra giữa Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, Tướng Joseph Dunford, và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov.
Ông Mattis vốn là một người chỉ trích Moscow công khai và đặt Nga, Trung Quốc vào trọng tâm Chiến lược Quốc phòng quốc gia Hoa Kỳ năm 2017. Tuy nhiên, ông cũng không phản đối tiến hành đối thoại với 2 nước này. Tháng trước, ông đã tới Trung Quốc, tiến hành gặp gỡ với giới chức cấp cao ở Bắc Kinh, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và bày tỏ sự lo ngại của Hoa Kỳ về các hoạt động quân sự của Trung Quốc, bên cạnh việc khẳng định tìm cách xây dựng quan hệ song phương.
 Liên hiệp quốc hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh 
Khi được hỏi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đánh giá như thế nào về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Hoa Kỳ tại Helsinki người, phát ngôn của Liên hiệp quốc Farhan Haq nói: “Chúng tôi đang đánh giá tình hình. Rõ ràng là, chúng tôi hoan nghênh những cuộc gặp thượng đỉnh có thể góp phần khuyến khích các mối quan hệ song phương tốt đẹp. Song đồng thời, chúng tôi cần phải nghiên cứu những kết quả cụ thể mà cuộc gặp này đem lại”.

Các tin khác