Ký ức kỷ niệm mười mùa hoa

Trong quản lý đầu tư tài chính có quy tắc rất thú vị để bạn tính nhanh ra mức lãi cần thiết nhằm tăng gấp đôi số tiền hiện có sau số năm nhất định. 
Tác giả Lê Hữu Huy (ngồi hàng đầu, thứ hai trái sang) trong vai trò Ban Tổ chức vòng chung kết Cúp bóng đá Hùng vương tại Singapore trung tuần tháng 4-2017.
Tác giả Lê Hữu Huy (ngồi hàng đầu, thứ hai trái sang) trong vai trò Ban Tổ chức vòng chung kết Cúp bóng đá Hùng vương tại Singapore trung tuần tháng 4-2017.
1. Chẳng hạn, muốn tăng gấp đôi số tiền mình có trong 10 năm, bạn lấy 72 chia cho 10 ra mức lãi là 7,2%. Quy tắc 72 này cũng được dùng để tính xem sau bao nhiêu năm số tiền của bạn sẽ tăng gấp đôi, bằng cách lấy 72 chia cho mức lãi suất.
Thí dụ, một ngân hàng chào mời chương trình đầu tư với lãi suất 14%/năm, chỉ cần khoảng 5 năm giá trị số tiền của bạn sẽ tăng gấp đôi. Ứng dụng quy tắc 72 nói trên và nhìn vào mức độ tăng trưởng của nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam, khả năng xuất hiện càng nhiều hơn triệu phú đôla không còn là chuyện xưa nay hiếm.
Có một số người lướt sóng trên thị trường chứng khoán, số khác bỏ vốn khởi nghiệp làm ăn, nhưng phần lớn phải làm thuê cho người khác và sống bằng lương. Ai trong số họ đã có đủ sức tăng thu nhập của mình sau 10 năm là câu hỏi chắc hẳn bạn sẽ tò mò muốn được giải đáp.
Và liệu cá nhân bạn có diễm phúc nằm trong số người đó không?
Theo báo cáo về thịnh vượng giàu có năm 2017 của Công ty Tư vấn bất động sản Knight Frank, trong 2016 đảo quốc Singapore đã có tổng cộng 217.300 triệu phú USD, tăng 12.300 người so với 2015.
Dân số Singapore theo thống kê năm 2016 ước tính gần 5,7 triệu người, như vậy cứ khoảng 26 người Singapore là có 1 người là triệu phú USD. So với cách đây 10 năm, số triệu phú USD của Singapore đã tăng thêm 79.800 người (+58%). Có nhiều khả năng sau 1 thập niên nữa, số lượng triệu phú USD tại Singapore sẽ tăng thêm 40% với con số 304.200 triệu phú.
Cũng theo báo cáo của Knight Frank, Việt Nam có 14.300 triệu phú USD và 1 tỷ phú USD năm 2016. Vào năm 2026, con số này sẽ tăng lên lần lượt 38.600 và 3. Trong năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu (tài sản không dưới 30 triệu USD), tăng 30 người so với năm trước đó.
Theo Knight Frank, Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người giàu nhanh nhất thế giới trong 10 năm nữa, đạt mức 170% với số người siêu giàu tại Việt Nam sẽ lên mức 540 người vào năm 2026, và số triệu phú được dự đoán tăng từ 14.300 lên 38.600 chỉ trong 1 thập niên.

  2. “Phải có cách làm sao giữ được nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Làm sao cho từng dòng sông, cống rãnh không bị ô nhiễm. Bộ Môi trường đặt mục tiêu trong 10 năm tới có thể câu cá trên sông Singapore và sông Kallang.”
Lời tuyên bố nói trên cách đây 40 năm của Thủ tướng Lý Quang Diệu đã trở thành hiện thực nhờ quyết tâm và nỗ lực của chính phủ và người dân Singapore trong việc làm sạch dòng sông Singapore - nơi hứng chịu ô nhiễm do chất thải nông công nghiệp từ hàng ngàn xưởng sản xuất, chăn nuôi, buôn bán 2 bên bờ.
Giờ đây, du khách đến tham quan đảo Sư tử đi dọc dòng sông Singapore sẽ được chiêm ngưỡng những khu nhà cao tầng xây dựng từ những xưởng đóng tàu nhỏ xấu xí. Các cửa hàng và các kho hàng được phục hồi và trở thành những quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng, khách sạn cùng những bữa tiệc tưng bừng và náo nhiệt ngoài trời bên sông.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải về sự tăng trưởng và thịnh vượng bền vững của đảo quốc có diện tích cỡ đảo Phú Quốc của ta. Nhưng tôi tin nếu không có cái tầm nhìn và quyết tâm “nước sạch” trong vòng 10 năm của vị cha già lập quốc họ Lý, Singapore sẽ chỉ là tụ điểm thương mại làm ăn mua bán và không trở thành biểu tượng phồn vinh và thu hút nhân tài từ khắp năm châu bốn biển đến lập nghiệp và sinh sống.
Du khách nước ngoài đến Singapore để làm gì nếu nơi đây là một hòn đảo nóng bức quanh năm, với những dòng sông ô nhiễm, hôi thối, thể chế chính trị lập lờ, chính quyền tham nhũng và quan chức đặt bản thân họ lên trên quyền lợi của quốc gia, cộng đồng.  

3. Thấm thoắt thoi đưa, tác giả bài viết này đã học tập, làm việc và sinh sống trên đảo Sư tử tròn 2 thập niên. Cách đây 20 năm, tôi là một thanh niên Việt Nam 28 tuổi, trình độ tiếng Anh còn hạn chế chân ướt chân ráo sang Singapore làm Trưởng đại diện một ngân hàng thương mại đối ngoại hàng đầu lúc bấy giờ.
Vì vài lý do chủ quan và khách quan, tôi đành phải ngậm ngùi chia tay với ngân hàng sau hơn 10 năm gắn bó và ở lại Singapore để tiếp tục vừa học vừa làm. Cuộc sống nơi đất khách quê người đã khiến tôi trở thành doanh nhân - nhà giáo. Có những hôm chiều mưa tầm tã, ngồi ở văn phòng nhìn ra vịnh Marina tôi chợt nhớ về những kỷ niệm ở Sài Gòn thời sinh viên học trò.
Có những đêm tôi nằm mơ đang làm việc trong cơ quan ngân hàng cũ với khát vọng cống hiến của một chàng sinh viên mới ra trường. Có những buổi sáng tôi thức dậy tự hỏi lý do mình đang ở một nơi xa lạ và ý nghĩa cuộc sống là đâu nếu mình không có một quê hương để hướng về.  
Với tôi Việt Nam là hai tiếng thiêng liêng, là máu thịt, là quê hương và tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được làm một điều gì đó, trực tiếp hay gián tiếp cho quê nhà, nhất là cho thành phố nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
Cách đây 10 năm tôi đã có bài viết đầu tiên được đăng trên ấn phẩm ĐTTC và nhờ sự động viên, hướng dẫn và hỗ trợ chí tình của Tòa soạn, tôi đã  có cơ hội chia sẻ thường xuyên với độc giả ở nhà những kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế của mình trong thực tiễn môi trường hoạt động kinh doanh quốc tế. Tôi sẽ không bao giờ quên những đóng góp thầm lặng của các anh thư ký tòa soạn gợi ý đề tài cho tôi viết, hay nhắc nhở tôi “nộp” bài đúng hạn trong điều kiện công việc kinh doanh bận bịu. Không có những điều đó, có lẽ tôi sẽ không thể hoàn thành trọng trách của một doanh nhân - nhà giáo - nhà báo nơi đất khách quê người.
“Thành phố mười mùa hoa, cây mười mùa thay lá, hoa mười mùa đậu quả, ngọt ngào tiếng chim ca…”. Tôi xin mượn lời ca khúc vui tươi trẻ trung của nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ thơ của tác giả Lệ Bình để thể hiện cảm xúc của mình nhân kỷ niệm 10 năm ra đời báo ĐTTC mà cá nhân tôi có may mắn và vinh dự được cộng tác.
10 năm thật ra là quãng thời gian rất ngắn trong lịch sử, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong đời người. Lý Quang Diệu cần phải có 10 năm mới có thể cùng người dân đảo Sư tử làm sạch được dòng sông Singapore, tạo tiền đề cho một thành phố xanh và sạch. Và cũng 10 năm qua, TPHCM đã có những thay đổi tích cực, xứng đáng với tầm vóc và vị thế một trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước và khu vực. 
Tôi tin rằng mỗi người Việt Nam chúng ta cho dù ở trong hay ngoài nước sẽ là tác nhân thay đổi cho ngày mai tốt đẹp và tươi sáng hơn. Và bất chấp mọi khó khăn trở ngại, TPHCM vẫn luôn vận động, phát triển với những mùa hoa, thay da đổi thịt với nhiều mảnh xanh lá, chim én chao liệng và những giai điệu cuộc sống ngọt ngào.
Viễn cảnh hạnh phúc, thịnh vượng phồn vinh cho mọi người không chỉ là niềm mơ ước trong âm nhạc và thi ca mà những vần thơ nốt nhạc rạo rực sẽ thực sự hòa mình, đi vào cuộc sống của từng cư dân.  
Singapore, ngày 22-4-2017

Các tin khác