Kinh tế thế giới tuần qua

Cuộc chiến thương mại EU-Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ bí mật thu thập thông tin cá nhân, Apple thua kiện Samsung… là những sự kiện gây chú ý trong tuần qua.

Cuộc chiến thương mại EU-Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ bí mật thu thập thông tin cá nhân, Apple thua kiện Samsung… là những sự kiện gây chú ý trong tuần qua.

Ủy ban châu Âu (EC) công bố từ ngày 6-6 áp thuế chống phá giá tạm thời đối với mặt hàng tấm năng lượng mặt trời nhập từ Trung Quốc ở tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Thuế sẽ tăng dần, bắt đầu từ mức bình quân 11,8% (thấp hơn so với đề xuất ban đầu), sẽ tăng lên 47,6% sau 2 tháng nếu không đạt được thỏa hiệp với Trung Quốc.

Và nếu các cuộc đàm phán không thể giải quyết tranh chấp, thuế tạm thời sẽ trở thành thuế trong 5 năm kể từ tháng 12. Ngay lập tức, Trung Quốc trả đũa bằng tuyên bố mở cuộc điều tra chống phá giá và trợ giá đối với mặt hàng rượu vang nhập khẩu của châu Âu. Cuộc chiến thương mại giữa EU và Trung Quốc có nguy cơ bùng lên.

Tại Hoa Kỳ, dư luận rùm beng vì những tài liệu tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã bí mật thu thập e-mail và các thông tin khác từ những công ty lớn có nhiều người sử dụng, trong đó có cả Google, Apple, Facebook…

Trước sức ép của công chúng Hoa Kỳ, NSA giải thích rằng chương trình này nhắm vào… người nước ngoài. Cuộc chiến trên mạng ngày càng nóng bỏng. Các nước cáo buộc Trung Quốc dung túng cho hacker xâm nhập trái phép, đánh cắp thông tin mật của công ty, chính phủ… Trung Quốc phủ nhận và cáo buộc ngược lại.

Sau sự cố pin, Dreamliner 787 lại xuất hiện lỗi ở bộ phận cảm biến áp suất không khí.

Sau sự cố pin, Dreamliner 787 lại xuất hiện lỗi ở bộ phận cảm biến áp suất không khí.

Trong bối cảnh “chiến trường” dời sang mạng internet, doanh số vũ khí không còn “ngon” như trước, các nhà thầu quân sự và hàng không đang chuyển hướng sang thị trường máy bay thương mại, nghiên cứu của AlixPartners cho biết.

Trong ngành hàng không, ngày 7-6, nhà sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce của Anh công bố đã giành được một hợp đồng trị giá 4 tỷ USD cung cấp các động cơ Trent 1000 cho 50 chiếc Boeing 787 Dreamliner và gói hỗ trợ dịch vụ dài hạn TotalCare cho hãng hàng không Singapore Airlines.

Nói về Dreamliner, chiếc giấc mơ bay này vẫn chưa hết rắc rối. Sau 4 tháng cho phi đội 787 nằm ụ chờ Boeing khắc phục sự cố pin, 2 hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airways vừa cho nối lại hoạt động đầy đủ của phi đội 787. Nhưng, chỉ 1 ngày sau, hãng Japan Airlines lại phát hiện lỗi ở bộ phận cảm biến áp suất không khí trong khoang chứa pin và phải thay máy bay khác cho chuyến Tokyo-Bắc Kinh ngày 2-7.

Trong cuộc đấu bản quyền giữa Apple và Samsung, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ phán quyết cấm Apple bán tại Hoa Kỳ một số đời iPhone và iPad cũ có vi phạm bản quyền của Samsung. Đây là chiến thắng đầu tiên của Samsung tại Hoa Kỳ trong cuộc chiến bản quyền với Apple trên toàn cầu.

Apple tuyên bố sẽ kháng án. Cũng liên quan đến kiện cáo, tòa phúc thẩm liên bang ở Manhattan đã ra lệnh mở phiên xử mới trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa nhà đầu tư quỹ tư nhân Guy Hands với tập đoàn Citigroup. Hans cáo buộc tư vấn của Citigroup đã đánh giá quá cao công ty âm nhạc EMI khiến ông mua hớ hồi năm 2007. Hands kiện Citigroup nhưng một bồi thẩm đoàn ở New York đã đứng về phía ngân hàng trong năm 2010, sau đó, tòa phúc thẩm phát hiện ra bồi thẩm đoàn đã bị thẩm phán chi phối.

TTCK Nhật Bản ghi nhận thêm những khoản thiệt hại chóng mặt, một phần do những lo ngại về mặt trái của chính sách cải cách kinh tế do Thủ tướng Shinzo Abe vạch ra (Abenomics).

Abenomics đang kéo giảm giá đồng yen nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn chưa đủ bù đắp cho chi phí nhập khẩu. Trong khi đó, vì đồng yen yếu nên lợi nhuận của các sản phẩm nước ngoài bán tại Nhật Bản bị sụt giảm, và hãng Apple đã tiên phong quyết định tăng 20% giá bán iPad trên thị trường này.

Các tin khác