Kinh tế Pháp thiệt hại vì Áo vàng

(ĐTTCO) - Ngành du lịch, khách sạn, các cửa hàng và siêu thị của Pháp bị thiệt hại nghiêm trọng bởi phong trào Áo vàng xuống đường. Bạo động vô tiền khoáng hậu tại Paris và nhiều thành phố lớn xảy ra đúng mùa cao điểm của các hoạt động mua bán trước dịp lễ, tết cuối năm.

Đại diện Liên đoàn các doanh nghiệp và thương gia (FCD) Jacques Creyssel cho biết, thiệt hại trong 3 tuần qua đã lên tới hàng tỷ EUR. Những thiệt hại đó do các hoạt động đập phá, hôi của và những khoản thất thu vì các khu mua bán bị phong tỏa.
Chỉ riêng các cửa hàng trên đại lộ đẹp nhất Paris, Champs-Elysées, hôm 28-11 vừa qua, thiệt hại ước tính lên tới 8 triệu EUR sau vài giờ bị đốt phá. Vẫn theo FCD, vào dịp trước lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch, trung bình doanh thu 1 tuần ở Pháp khoảng 15 tỷ EUR, thay vì 8-9 tỷ EUR như bình thường trong năm. Ông Jacques Creyssel cho biết doanh thu của các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc giảm tới 40%.
Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Bruno Le Maire thừa nhận các cuộc biểu tình bạo loạn đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế đất nước, khi các nhà phân phối hàng hóa bị thiệt hại doanh thu 35%, thậm chí một số cửa hàng doanh thu giảm tới 70% do phải đóng cửa. Riêng các cuộc bạo loạn tại trung tâm Paris ngày 1-12 đã gây thiệt hại ước tính lên tới 4 triệu EUR.
Kinh tế Pháp thiệt hại vì Áo vàng ảnh 1
Không những thế, các hành động tấn công cướp phá ngang nhiên ngay tại kinh đô ánh sáng Paris đã làm xấu hình ảnh nước Pháp, vốn được coi là thân thiện, văn minh và yên bình, đặt ra nhiều thách thức về an ninh, trật tự. FCD đã kêu gọi chính phủ cần làm tất cả để kịch bản đập phá, hôi của như vừa qua không tái diễn. Nhiều hợp đồng theo thời vụ để đáp ứng nhu cầu trong mùa lễ cuối năm đã phải hủy bỏ.
Ngành du lịch bắt đầu khởi sắc trở lại từ sau loạt khủng bố ở Paris năm 2015 cũng đang lo ngại du khách sẽ hủy tour đến Pháp. Chủ tịch Hiệp hội Các khách sạn Pháp Roland Héguy lo sợ sẽ phải làm lại tất cả từ đầu để tô điểm hình ảnh nước Pháp trong mắt du khách quốc tế.
Một nạn nhân khác của loạt bạo động là Khải Hoàn Môn, biểu tượng của nước Pháp, bị đập phá, bị người biểu tình viết chữ xanh, chữ đỏ lên trên. Philippe Bélaval, Chủ tịch trung tâm quản lý các di tích lịch sử quốc gia, cho biết phải mất vài trăm triệu EUR để Khải Hoàn Môn tìm lại được bộ mặt như xưa.
Hoạt động biểu tình, phản kháng xã hội vốn được coi là một trong truyền thống lâu đời của người Pháp qua nhiều thế kỷ và kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron lên nắm quyền tới nay, người dân Pháp cũng thường xuyên xuống đường bày tỏ thái độ trước những kế hoạch cải cách của ông, như làn sóng biểu tình phản đối cải cách luật lao động bùng phát từ năm ngoái, song hầu hết các hoạt động này diễn ra hòa bình.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng diễn ra trong 3 tuần qua rất khác thường. Không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ một đảng phái chính trị hay tổ chức công đoàn nào, không có thủ lĩnh, những người biểu tình đã tự lôi kéo, kích động và sử dụng mạng xã hội làm phương tiện liên lạc và truyền thông.
Có thể thấy đây là một thời kỳ khó khăn với chính phủ Pháp và việc tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay không hề dễ dàng. Bản thân phong trào Áo vàng dù có số lượng ủng hộ đông đảo vẫn chưa thể tìm ra người đại diện hoặc phát ngôn viên chính thức, hình thức phản kháng mang tính tự phát và vô tổ chức... những yếu tố đó đang cản trở các nỗ lực đối thoại. Có những đại diện ôn hòa của phe Áo vàng muốn đối thoại theo đề nghị của chính phủ, nhưng họ đã bị những phần tử cực đoan đe dọa. Phong trào phản đối của những người Áo vàng dường như đang bị nhiều lực lượng lợi dụng.

Các tin khác