Kinh tế Đức xuất hiện dấu hiệu tích cực

Trong tháng 11, niềm tin kinh doanh của Đức bất ngờ tăng sau khi giảm liên tục trong 8 tháng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang có tín hiệu phục hồi.

Viện Ifo có trụ sở tại Munich cho biết, qua khảo sát 7.000 giám đốc điều hành ở Đức cho thấy chỉ số môi trường kinh doanh của quốc gia này đã tăng từ 100 lên 101,4 điểm trong tháng 11, mức tăng đầu tiên trong vòng 8 tháng qua. Trong khi đó, theo dự đoán của Bloomberg, chỉ số này sẽ giảm xuống 99,5 điểm.

Dù rằng kinh tế Đức đã tăng chậm lại còn 0,2% trong quý 3, từ mức 0,3% ở quý trước, do khu vực đồng euro, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, trượt vào suy thoái và triển vọng của nền kinh tế toàn cầu vẫn không mấy sáng sủa và dự kiến quý 4 mức tăng trưởng sẽ tiếp tục bị thu hẹp do sản xuất có dấu hiệu đi xuống, song các nhà kinh tế vẫn dự báo sự suy giảm đó chỉ là tạm thời.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, trong quý 3, xuất khẩu, chi tiêu hộ gia đình và xây dựng là hạng mục đóng góp chính cho sự tăng trưởng, trong khi hàng tồn kho và đầu tư vào nhà máy và máy móc sụt giảm.

Công ty nghiên cứu thị trường GfK tin tưởng, niềm tin của người tiêu dùng Đức sẽ tăng đến mức cao trong 5 năm qua vào tháng này, khi tiền lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm làm giảm những lo ngại kinh tế. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu, nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm nay và năm tiếp theo, ngược lại, khu vực đồng euro sẽ suy giảm lần lượt 0,4% và 0,1%.

Ông Tobias Blattner, chuyên gia kinh tế tại London nhận định, “mặc dù chúng tôi đang dự đoán nền kinh tế thu hẹp trong quý IV, song môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện trong năm mới. Đó sẽ là một sự sụt giảm trong tăng trưởng hơn là một cuộc suy thoái tại Đức”.

Ở những nơi khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, các nền kinh tế cũng cho thấy một số dấu hiệu phục hồi. Ở Pháp, niềm tin kinh doanh đã tăng vào tháng 11 sau khi Tổng thống Francois Hollande công bố cắt giảm thuế cho các công ty vào năm tới. Ở Ý, doanh số bán lẻ bất ngờ tăng 0,1% trong tháng 9 so với tháng 8 trong khi các nhà kinh tế dự báo doanh số bán hàng vẫn không thay đổi.

Hiện tại, các công ty châu Âu phải nỗ lực để duy trì tốc độ tăng doanh số bán hàng của họ trong khi các quốc gia khu vực đồng euro từ Tây Ban Nha đến Ý đều áp dụng những thắt chặt tài chính khắc khổ. Pháp, quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Đức, vừa bị Moody's hạ xếp hạng tín dụng 3 chữ A hôm 19/11.

Hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor cũng tước xếp hạng tín dụng của Pháp vào tháng 1 và cho biết có khả năng là quốc gia này sẽ bị hạ bậc một lần nữa vào năm tới.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Gernot NERB, Viện trưởng Viện Ifo cho biết: "Tất nhiên, nền kinh tế và các công ty Đức đang đau đầu trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu - nhưng cuối cùng, khu vực đồng euro vẫn là nhà của chúng tôi. Ít nhất là trong năm tới, động lực tăng trưởng sẽ đến từ bên ngoài khu vực đồng euro".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay - là mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2009 và dự báo tăng 3,6% vào năm 2013.

Các tin khác