Khủng hoảng nợ châu Âu diễn biến xấu

Khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục lan rộng khi mới đây đến lượt Bỉ bị Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Standard and Poor (S&P) hạ mức tín nhiệm từ AA+ xuống AA-.

Khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục lan rộng khi mới đây đến lượt Bỉ bị Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Standard and Poor (S&P) hạ mức tín nhiệm từ AA+ xuống AA-.

Người dân Brussels (Bỉ) thờ ơ đi qua các cửa hàng giảm giá - Ảnh: Reuters 
 Người dân Brussels (Bỉ) thờ ơ đi qua các cửa hàng giảm giá - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Bloomberg, S&P cho biết Bỉ bị hạ mức tín nhiệm do “viễn cảnh kinh tế ảm đạm”, sự thiếu xuyên suốt trong chính sách bảo đảm của giới ngân hàng và hơn hết là tình trạng vô chính phủ kéo dài hơn 530 ngày qua ở nước này. S&P cho rằng tình trạng “chính trị bất ổn kéo dài” là một nguy cơ đối với định mức tín dụng Bỉ. Lãi suất trái phiếu dài hạn của Bỉ đang xấp xỉ 6%, cao nhất trong 11 năm qua, gần chạm 7%, mức buộc Bồ Đào Nha, Hi Lạp... phải xin cứu trợ.

AFP cho biết trước đó Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã cảnh báo Bỉ phải giảm mức thâm hụt xuống dưới 3% trong tổng GDP năm 2012, hoặc sẽ đối mặt với mức phạt khoảng 500 triệu EUR (673 triệu USD) từ EC. Giới chuyên gia cho rằng châu Âu rất khó ngăn chặn khủng hoảng do cơn bão nợ đã lan đến Bỉ, một bước đệm quan trọng giữa các nước bên ngoài châu Âu và các nước trong khối.

Các nhà đầu tư đang bán tống bán tháo trái phiếu chính phủ Bỉ. Đến hôm 26-11, hai đảng Tự do và Xã hội mới đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ và ra chính sách giảm thâm hụt. “Câu hỏi hiện nay là liệu các nước châu Âu khác có đi theo vết xe đổ của Bỉ, gây ra những căng thẳng cho toàn khu vực ngân hàng hay không” - Thomas Costerg, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Standard Chartered ở London, nhận định.

Trong khi đó, báo Wall Street Journal cho biết lãi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của Italia đã tăng lên 7,8%, lãi suất trái phiếu kỳ hạn sáu tháng cũng tăng lên 6,5% sau đợt đấu giá 10 tỷ EUR trái phiếu. Giới chuyên gia xác định đây là mức lãi suất rất nguy hiểm, có thể sẽ đẩy Italia vào tình trạng không tiếp cận được với thị trường tài chính và không trả được nợ. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cảnh báo Italia vỡ nợ sẽ dẫn tới “cái chết của EUR”.

Trong năm 2012, Italia phải trả nợ khoảng 400 tỷ EUR. Tổng nợ của Italia hiện đã lên đến 1.900 tỷ EUR. Theo AFP, khủng hoảng nợ Italia đang làm dấy lên tin đồn Italia có thể rút khỏi khu vực các nước sử dụng đồng euro. Nguồn tin báo New York Times cho biết một số ngân hàng lớn nhất thế giới, trong đó có Merill Lynch, Barclays Capital, Nomura, Citigroup..., đã bắt đầu lên kế hoạch đối phó với khả năng khu vực sử dụng EUR tan vỡ.

Các tin khác