Không thiếu lời giải

(ĐTTCO) - Đã hơn một tuần trôi qua, từ ngày 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia bị tên lửa tấn công, người ta vẫn chưa xác định các máy bay không người lái và tên lửa đó xuất phát từ đâu, mặc dù lực lượng Houthi tại Yemen đã ngay lập tức nhận trách nhiệm về mình.

Saudi Arabia với tiềm lực kinh tế của mình, chắc chắn có các hệ thống ra đa hiện đại nhất. Đồng minh Mỹ và châu Âu của Saudi Arabia cũng có thể cung cấp hình ảnh từ vệ tinh cho Saudi Arabia. Nhưng rõ ràng kỹ thuật vẫn chưa phải đã được hoàn thiện. Các vệ tinh và ra đa dường như vẫn bất lực trong việc phát hiện các cuộc tấn công như thế này. Đây là một “điểm đen” trong kỹ thuật quân sự làm người ta lo ngại các cuộc tấn công tương tự có thể xảy ra.

Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu của Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia, sau vụ tấn công ngày 14-9-2019. Ảnh: TTXVN

Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu của Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia, sau vụ tấn công ngày 14-9-2019. Ảnh: TTXVN

Cuộc tấn công 2 cơ sở sản xuất dầu lửa đã làm Saudi Arabia mỗi ngày mất 6-7 triệu thùng dầu, chiếm 1/2 sản lượng dầu của nước này và 5% dầu xuất khẩu của thế giới. Giá dầu thế giới sau đó có lúc đã tăng mức kỷ lục 15% trong một ngày, kể từ năm 1988. Những con số này đều là những con số biết nói, cho thấy mức độ nghiêm trọng của một cuộc tấn công như vậy vào các cơ sở sản xuất dầu lửa. Giá dầu biến động sẽ ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế thế giới. Như vậy, hậu quả của các cuộc tấn công tương tự là rất lớn đối với nền kinh tế thế giới.

Tính dễ tổn thương của các cơ sở lọc dầu cộng hưởng với tính nghiêm trọng của các cuộc tấn công như vậy cho thấy thế giới đang đứng trước một hiểm họa vô cùng lớn cho nền kinh tế của mình. Bất cứ lúc nào nền kinh tế thế giới cũng có thể bị tấn công và bị rối loạn. Phải chăng mục tiêu của tác giả của cuộc tấn công này là làm cho nền kinh tế thế giới bất ổn? Nếu vậy, đây sẽ là hành động khủng bố nguy hiểm nhất vì đối tượng bị ảnh hưởng của hành động khủng bố này không phải một đơn vị địa lý giới hạn mà là toàn thế giới.

Lập luận logic cho thấy giả thuyết này không chắc. Hiện nay có 2 lực lượng được coi là đứng sau cuộc tấn công này là lực lượng Houthi của Yemen và Iran. Nếu tác giả của cuộc tấn công là Houthi thì họ không muốn kinh tế thế giới đảo lộn mà mục tiêu của cuộc tấn công chỉ là nhắc nhở thế giới về cuộc chiến tranh mà Saudi Arabia đang thực hiện trong suốt 5 năm qua trên đất nước của họ. Cuộc chiến tranh mang lại nhiều mất mát đau thương cho người dân Yemen, nhưng dường như bị thế giới lãng quên. Có thể họ được sự giúp đỡ của bên ngoài để thực hiện các cuộc tấn công này nhưng bản chất của cuộc tấn công là để nhắc nhở sự tồn tại của một cuộc chiến khác.

Còn nếu tác giả cuộc tấn công là Iran như Saudi Arabia và một số lực lượng phương Tây đồn đoán thì mục tiêu cũng không phải là gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu vì họ cũng sẽ chẳng được gì. Mục tiêu lại là để nhắc nhở thế giới là họ đang bị đối xử bất công. Tại sao thỏa thuận hạt nhân được các nước P5+1 (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức) cùng Iran ký và đặc biệt được Hội đồng Bảo an chuẩn y thông qua một nghị quyết của hội đồng, rồi chỉ khi một tổng thống mới được bầu ở Mỹ bác thì thỏa thuận không được thực hiện? Nếu mục tiêu là để nhắc nhở sự bất công này, lời giải phải là thủ tiêu sự bất công đấy.

Như vậy, mặc dù cuộc tấn công 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia làm cho cả thế giới lo ngại về khả năng bùng lên một cuộc chiến mới ở Trung Đông và làm cho kinh tế thế giới bất ổn, lời giải cho bài toán dường như rất đơn giản. Cộng đồng quốc tế cần nỗ lực cùng nhau giải quyết cuộc chiến ở Yemen và khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân đã được các nước ký kết năm 2015!

Các tin khác