Không đánh thuế, vẫn chạy tốt

(ĐTTCO) - Trốn thuế, né thuế đang rất phổ biến của các tỷ phú và đại công ty ngày nay. Ngay cả những công ty danh giá nhất thế giới như Apple hay Google cũng bị cáo buộc tìm trăm phương ngàn kế để né thuế. 
Điều này hoàn toàn trái ngược với xã hội Hy Lạp cổ đại, nơi đóng thuế chính là một vinh dự.

Nghiên cứu của các học giả tiết lộ trong xã hội Hy Lạp cổ người ta không phải đóng thuế thu nhập, thuế cũng không phải là phương thức để người giàu chia sẻ với người nghèo trong xã hội. Thay vào đó, họ xây dựng hệ thống thuế dựa trên danh dự và đạo đức, việc đóng thuế hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện. Theo đó, người Hy Lạp cổ kêu gọi các hoạt động đóng góp cho các công trình công và hoạt động công, đây được xem tương tự cách các chính phủ ngày nay kêu gọi đóng thuế.
Chẳng hạn, khi một địa phương cần xây dựng hay cải tạo một công trình hạ tầng, như một cây cầu; hay khi chiến tranh xảy ra và quân đội cần thêm tài chính; khi cần mở một lễ hội nào đó... người ta sẽ kêu gọi người giàu ủng hộ. Họ không chỉ được kêu gọi hỗ trợ tài chính, mà còn giám sát việc thực hiện, đó được xem là trách nhiệm và vinh dự của họ.

Đền Parthenon, một công trình xây dựng bằng hệ thống thuế tự nguyện. 
Nhưng tại sao chỉ kêu gọi người giàu? Vì người giàu được xem là những người dư dả hơn cộng đồng, và trong xã hội cổ người giàu có thừa quyền quý, nên danh dự mới là điều quan trọng nhất đối với họ. Dĩ nhiên, tất cả hoạt động đóng góp của họ đều dựa trên danh dự và tình nghĩa cộng đồng, không phải vì luật định hay ép buộc. Và khi động cơ phục vụ mọi người một cách vô vụ lợi, những đóng góp của họ thật đáng kính trọng. Nếu công việc được thực hiện tốt, uy tín của họ trong giới thượng lưu cũng như trong xã hội sẽ tăng lên. Trong xã hội Hy Lạp cổ đại thời kỳ đầu, chỉ có các chiến binh mới có thể trở thành “anh hùng”.
Nhưng với hoạt động phụng vụ, cho dù bạn không phải là chiến binh bạn cũng có cơ hội để trở thành anh hùng. Với những đóng góp cực lớn cho xã hội, những người giàu có cơ hội được tôn vinh như một anh hùng. Cơ hội này thường được tìm thấy khi tài trợ cho đại hội thể thao Panathenaic Games hoặc lễ hội nhạc kịch Dionysia. Việc tài trợ, lựa chọn và đào tạo các đội tham gia thi đấu ở các môn thể thao, nhạc kịch và âm nhạc tại các lễ hội tôn giáo ở Athens được gọi là “choregy”, và những người chủ trì được gọi là “choregos”. 

Thường các choregos do chính quyền đề xuất, nhưng những người giàu cũng có thể tự ứng cử. Để trở thành choregos là một vinh dự lớn lao, nên đa phần họ đều cống hiến nhiều hơn mức yêu cầu tối thiểu. Choregos cùng chia sẻ tôn vinh và giải thưởng các thí sinh của họ giành được. Thậm chí, họ còn được dựng tượng để ghi nhớ công lao, và nhiều tượng choregos vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Nhiều tòa nhà của Hy Lạp cổ đại cũng được những nhà hảo tâm xây dựng để lấy tiếng thơm. Công trình Stoa Poikile ở Athens là thí dụ cụ thể nhất. Nhiều công trình ở Acropolis, ngay cả đền thờ nổi tiếng Parthenon, cũng được nhà tài trợ xây dựng. 

Thành quả của việc xây dựng hệ thống thuế dựa trên danh dự, đạo đức và đóng thuế hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của xã hội Hy Lạp cổ là các công trình công cộng có xu hướng được tài trợ và quản lý bởi những người có chuyên môn và chuyên tâm, không phải bởi các cán bộ nhà nước có trách nhiệm thấp hơn và hay nhũng nhiễu, ăn hối lộ. Lợi ích là cả chuyên môn và sự giàu có cá nhân đều được chia sẻ thông qua cộng đồng, không liên quan đến chính phủ hay nhà nước. Hệ thống vận hành tốt vì người ta xem trọng danh dự và đạo đức.

Các tin khác