Khoản tiền chuộc 1 tỷ USD khiến Qatar bị láng giềng trừng phạt

(ĐTTCO) - Nhằm giải cứu các thành viên hoàng gia bị bắt làm con tin trong một cuộc săn chim ưng ở miền nam Iraq, Qatar đã chấp nhận trả 1 tỷ USD tiền chuộc cho các nhóm chiến binh bị các nước láng giềng cho vào danh sách đen.
Khoản tiền chuộc 1 tỷ USD khiến Qatar bị láng giềng trừng phạt

Giọt nước tràn ly sau khoản tiền chuộc 1 tỷ USD

Theo nguồn tin của Financial Times, việc Qatar trả 1 tỷ USD tiền chuộc cho các nhóm bị coi là khủng bố chính là giọt nước tràn ly, khiến bốn nước Ả rập, trong đó có ba quốc gia láng giềng là Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Bahrain quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Nước còn lại là Ai Cập.

Theo đó, hồi tháng 4, Qatar đã chi 1 tỷ USD tiền chuộc để giải cứu 26 thành viên cùng 50 binh sĩ bị bắt cóc bởi các nhóm hồi giáo cực đoan Syria trong cuộc săn chim ưng ở Qatari, miền nam Iraq. Số tiền này được chuyển thẳng cho hai nhóm chiến binh nằm trong danh sách đen của các nước Trung Đông, một có liên quan tới tổ chức khủng bố al-Qaeda và một bị cáo buộc do Iran hậu thuẫn.

Việc trả tiền chuộc khiến các nước láng giềng nghi ngờ vai trò của Qatar ở khu vực vốn chìm trong xung đột và những cuộc đối đầu cay đắng. Thậm chí, các nước láng giềng còn cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên, Doha đã phủ nhận những cáo buộc này và gọi chúng là “vô căn cứ”.

Mối quan hệ tơ vò của quốc gia nhỏ bé

Qatar là đồng minh của Mỹ và cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự với biên chế 10.000 lính. Tuy nhiên, Qatar không được lòng những quốc gia hàng xóm, những đồng minh khác của Mỹ và bị coi là kẻ bất khuất trong khu vực. Tuy nhiên, quốc gia xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng nhiều nhất thế giới sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình cho các mối quan hệ từ London tới Washington hay Tokyo.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng Qatar có tham vọng lớn dù chỉ có dân số hơn 2 triệu người. Để tăng sức nặng cho tiếng nói, Qatar can thiệp vào nhiều vấn đề trong khu vực và sử dụng kênh truyền hình vệ tinh Al Jazeera như là công cụ tuyên truyền hiệu quả.

Ngoài ra, Doha còn có lịch sử giao thiệp với tất cả các nhóm gây tranh cãi, từ phe nổi dậy ở vùng Darfur của Sudan đến Taliban ở Afghanistan và Hamas ở Gaza. Qatar vẫn tự hào là quốc gia trung lập, có thể đóng vai trò trung gian không thể thiếu với những cuộc xung đột trong khu vực.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực không hài lòng với Qatar. Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cáo buộc Qatar can thiệp vào các phía đồng thời hỗ trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, gần đây nhất là ở Libya và Syria. Nhiều người còn quy việc trả tiền chuộc là bằng chứng cho những cáo buộc đó.

Các tin khác