Italia đón “con đường tơ lụa” Trung Quốc

(ĐTTCO) - Từ một thành phố trung bình của Italia, nằm cách Milan khoảng 1 giờ tàu hỏa, Mortara trở nên sôi động từ vài tháng gần đây khi nhà ga thành phố - một trạm vận tải có quy mô lớn của Italia - sẽ được mở rộng thêm bởi Mortara được Tập đoàn Changjiu Group chọn là ga cuối của những chuyến tàu đến từ Trung Quốc. 
 

Theo phát biểu của đại diện nhà ga, đây là món quà từ trên trời rơi xuống với thành phố. Ngay mùa thu 2017, mỗi tuần sẽ có 2 chuyến tàu từ Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vượt qua 10.800km trong vòng 18 ngày để đến Mortara, thuộc vùng Lombardy. Năm 2018, con số này tăng thêm 1 chuyến thành 3 chuyến mỗi tuần và sau đó sẽ nâng lên khoảng 10 chuyến. Từ hàng xa xỉ đến danh lam thắng cảnh, từ rượu vang đến ẩm thực, Italia có đủ điều kiện để thu hút giới nhà giàu Trung Quốc. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp Italia thoát khỏi 2 thập niên khủng hoảng và trì trệ.

Ngoài một kỷ niệm buồn vào năm 2014 khi một nhà đầu tư Thượng Hải mua lại câu lạc bộ bóng đá Pavie của Mortara 2 năm trước đó, ra đi với gần 1 triệu EUR nợ thuế, Italia nói chung và vùng Milan nói riêng, vẫn thu hút lượng đầu tư đáng kể của Trung Quốc trong những năm gần đây. Nguyên nhân được chuyên gia kinh tế người Italia Andrea Goldstein nêu lên là quốc gia Nam Âu này là cánh cửa lý tưởng để Trung Quốc đặt chân vào Liên minh châu Âu (EU). Năm 2015, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 23 tỷ USD vào châu Âu.

Changjiu Group đầu tư tuyến tàu hỏa tại Italia Mortara. 

Có thể nhắc lại một vài thương vụ lớn các doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện như Công ty sản xuất lốp Pirelli được chuyển nhượng năm 2015 cho Tập đoàn ChemChina của nhà nước Trung Quốc. Trên quy mô nhỏ hơn, phải kể đến vụ sáp nhập năm 2008 của Cifa, nhà sản xuất máy trộn bê tông, hay Krizia trong lĩnh vực thời trang vào năm 2014. Kín đáo hơn, Trung Quốc còn có cổ phần trong nhiều cơ quan hạ tầng năng lượng (Snam và Terna) hay các doanh nghiệp điều hành đường cao tốc.

Trong lĩnh vực thể thao, vụ 2 câu lạc bộ bóng đá lớn Inter Milan (thuộc gia đình Moratti) và Milan AC (thuộc nhà tỷ phú - cựu Thủ tướng Italia Berlusconi) được chuyển nhượng cho Trung Quốc vẫn còn gây sốc. Ngoài ra, thành phố Milan chọn một doanh nghiệp Thượng Hải để cung cấp hệ thống dịch vụ dùng chung xe đạp. Hệ thống hiện đại này hoạt động kết nối thông qua điện thoại di động mà không cần trạm giữ cố định với khoảng 12.000 xe được đưa vào phục vụ tháng 10-2017. Từ khi nhậm chức năm 2016, Thị trưởng Milan Giuseppe Sala liên tục đến Trung Quốc để thắt chặt quan hệ với các nhà đầu tư quan trọng của nước này. Từ lâu, Milan đã là trung tâm về thương mại và dịch vụ của Italia và cũng là nơi cộng đồng người Hoa ở nước này tập trung làm ăn đông nhất. 

Có thể nói, Italia tìm mọi cách để không bị loại khỏi “con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc đang được hình thành. Ngoài thành phố Milan và ga đường sắt Mortara, thủ đô Roma cũng muốn trở thành cửa ngõ chính dẫn vào châu Âu bằng đường hàng hải. Còn phải kể đến Trieste - nằm ở cửa ngõ Trung Âu và Venice - thành phố của nhà thám hiểm Marco Polo. Tham vọng của Venice là đón những tàu biển khổng lồ từ Trung Quốc tại cảng Porto Marghera. Thậm chí, Thị trưởng Luigi Brugnaro còn muốn biến Venice thành Dubai của châu Âu trong vòng 20 năm tới. Để ca ngợi tình hữu nghị Italia - Trung Quốc, Bắc Kinh đã mở Viện Khổng Tử tại quê hương Macerata của nhà truyền giáo nổi tiếng Matteo Ricci hồi thế kỷ 17. 

Các tin khác