Iceland - Chịu đau để “phá băng”

Ngày 26-1-2009, Chính phủ Băng Đảo (Iceland) sụp đổ vì tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng chỉ 4 năm sau, nước này được ngợi ca như hình mẫu vượt thoát khủng hoảng thành công khi công bố GDP tăng trưởng quý thứ 7 liên tiếp với mức tăng bình quân 2,5%/năm, một mức tăng được coi là “giấc mơ xa” đối với các nước châu Âu hiện nay.

Ngày 26-1-2009, Chính phủ Băng Đảo (Iceland) sụp đổ vì tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng chỉ 4 năm sau, nước này được ngợi ca như hình mẫu vượt thoát khủng hoảng thành công khi công bố GDP tăng trưởng quý thứ 7 liên tiếp với mức tăng bình quân 2,5%/năm, một mức tăng được coi là “giấc mơ xa” đối với các nước châu Âu hiện nay.

Tăng thuế

Các ngân hàng lớn của Iceland nối nhau sụp đổ vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống tài chính công và là cuộc đổ vỡ kinh tế tồi tệ nhất châu Âu kể từ sau thế chiến 2. Đồng krona khi đó lao dốc 50% so với tất cả ngoại tệ chính, thất nghiệp tăng vọt lên mức 10% và dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi đất nước.

Nhưng Iceland quyết tự thân vận động và đối phó với cuộc khủng hoảng bằng cách riêng, duy nhất và khác thường. Số liệu mới nhất cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Iceland đã giảm xuống dưới mức 5% và niềm tin kinh doanh đã hồi phục. Hãng tin BBC có bài viết ngợi ca sự thành công của người Iceland và cho rằng yếu tố quan trọng nhất cho thành công này là tinh thần bất khuất, quật cường của người Iceland sau hàng trăm năm phải chống chọi với thiên nhiên băng giá khắc nghiệt.

Điều này thể hiện qua việc người Iceland mãi đến nay vẫn phải chịu nhiều đau đớn để các số liệu kinh tế vĩ mô sáng sủa hơn. Người dân thường nay phải chịu thuế cao hơn, chi tiêu dè xẻn đi và làm việc cật lực hơn. Hiện chuyện một người kiêm nhiệm 2-3 việc và làm 60-70 giờ mỗi tuần là rất bình thường.

Dù vậy, làn sóng tịch biên nhà cửa vẫn khiến nhiều người quẫn trí. Càng tệ hơn đối với những người tham gia vào thị trường nhà ở được chứng khoán hóa. Sau sự sụp đổ thị trường, giá nhà lao dốc trong khi lạm phát tăng vọt đã khiến nhiều chủ nhà thấy tài sản bị âm, với số tiền còn nợ thậm chí lớn hơn các khoản vay ban đầu.

“Tôi đã phải tích cóp trả nợ hàng tháng suốt 150 tháng qua, nhưng nay lại mắc nợ nhiều hơn số nợ gốc” - Theodor Magnusson, một chủ nhà là chuyên gia công nghệ thông tin, nói. “Tôi vay 6 triệu krona (28.850 bảng) và nay nợ 9,7 triệu krona (46.642 bảng), dù đã trả khoảng 5 triệu krona (24.000 bảng) trong 12 năm rưỡi qua”.

“Đánh” ngân hàng

Những cuộc khảo sát cho thấy nhiều người vẫn thất vọng với chính phủ liên minh đang điều hành đất nước, nhưng các nhà chức trách nói họ không có nhiều lựa chọn. “Chúng tôi đối mặt với khoảng cách ngân sách khổng lồ, nên bắt buộc tăng thuế” - Bộ trưởng Tài chính Katrin Juliusdottir nói. “Chúng tôi phải đưa ra những quyết định khó khăn, một số tốt, số lại không tốt, nhưng nhìn chung đã đưa được nền kinh tế quay lại đúng đường ray”.

Người Iceland chịu nhiều đau đớn để kinh tế vĩ mô sáng sủa hơn.

Người Iceland chịu nhiều đau đớn để kinh tế vĩ  mô sáng sủa hơn.

Chính phủ áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn chảy máu ngoại tệ, đưa ra gần 100 loại thuế mới và mạnh tay cắt giảm chi tiêu. Iceland cũng vay tiền từ các nước láng giềng Bắc Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng quan trọng hơn, họ để các ngân hàng thương mại có thể “chết”.

Điều đó có nghĩa nhà đầu tư có thể trắng tay, nhưng bù lại người dân không tốn thêm tiền ứng cứu cho những thực thể đã gây ra cuộc khủng hoảng. Iceland còn tiến hành những cuộc điều tra để xác định ai phải trách nhiệm pháp lý cho cuộc khủng hoảng kinh tế, đồng thời bắt giữ một số chủ ngân hàng và các nhà điều hành cấp cao có liên quan tới hoạt động rủi ro cao.

Đó thật sự là những liều thuốc đắng. Tăng trưởng sụp đổ, hàng ngàn người Iceland bỏ ra nước ngoài và Iceland bị “ruồng bỏ” khi bị hạ tín nhiệm xuống mức “không thể đầu tư”. Nhưng từ mùa đông năm 2010, một điều mới mẻ đã xuất hiện. Các nhà xuất khẩu chợt thấy việc tuyển dụng các lao động cấp cao dễ hơn do các ngân hàng không còn sẵn sàng bỏ ra hàng triệu krona để “săn đầu người” như trước kia. Và đến nay, Iceland đã vượt thoát khủng hoảng thành công.

Các tin khác