Hy Lạp vỡ nợ?

“Không còn loại trừ khả năng Hy Lạp vỡ nợ có chọn lọc” - Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jan Kees de Jager trả lời báo giới hôm 12-7.

“Không còn loại trừ khả năng Hy Lạp vỡ nợ có chọn lọc” - Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jan Kees de Jager trả lời báo giới hôm 12-7.

Theo giới chuyên môn, diễn biến này cho thấy tình hình tệ hơn nhiều so với những điều các nhà lãnh đạo tiết lộ.

“Đại dịch” nợ công

Trong bối cảnh báo động nợ công như “đại dịch” đang tiếp tục lan nhanh từ Hy Lạp sang Italia và Tây Ban Nha, ngày 12-7, các bộ trưởng tài chính đã họp hơn 8 giờ tại Brussels để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng. Thông điệp được đưa ra sau cuộc họp là “tuyệt đối cam kết bảo vệ sự ổn định tài chính trong khu vực EUR”.

Châu Âu điên đảo vì khủng hoảng nợ.

Châu Âu điên đảo vì khủng hoảng nợ.

Tân Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông François Baroin, tuyên bố đã “tái hiện tinh thần của mùa xuân năm 2010, khi lần đầu tiên ứng cứu Hy Lạp và thành lập quỹ ứng cứu trị giá 500 tỷ EUR (tương đương 635 tỷ USD) để giúp các nước khác.

Nhưng những tuyên bố như vậy bị giới phân tích cho là không chứa đựng chi tiết cụ thể hoặc lộ trình cho các hành động. Điều này cho thấy giới lãnh đạo châu Âu vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong việc giải quyết khủng hoảng.

Cho đến gần đây, các bộ trưởng vẫn nghĩ họ đã kiểm soát được tình hình. Bằng việc đưa ra được khoản giải ngân 12 tỷ EUR cho Athens mới đây, giới lãnh đạo châu Âu có thời gian cả tháng để tính toán cẩn thận hơn về gói ứng cứu thứ 2 chống lưng cho Hy Lạp đến tận năm 2014, đặc biệt khi các trái chủ tư nhân sẽ tự nguyện đóng góp vào kế hoạch ứng cứu.

Nhưng viễn cảnh đó đã tan tành sau khi “quái vật nợ công” lăm le nuốt chửng Italia - một nước quá lớn để ứng cứu - và Tây Ban Nha. Lợi suất trái phiếu ở cả 2 nước này đều tăng đạt những mức kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 13-7. Diễn biến này khiến các bộ trưởng phải thừa nhận khả năng trước đó 1 ngày họ “không thể nghĩ tới”: để Hy Lạp vỡ nợ.

Cuộc tháo chạy khó tránh khỏi?

Nhà đầu tư huyền thoại George Soros phát biểu trên tờ Financial Times chuyện vỡ nợ của Hy Lạp là điều không thể tránh khỏi: “Hy Lạp đang hướng tới một cuộc vỡ nợ vô tổ chức hoặc phá giá tiền tệ... Một cuộc vỡ nợ Hy Lạp có lẽ là điều không thể tránh khỏi.

Trong khi một số ảnh hưởng là không tránh được, phần còn lại của khu vực EUR cần dựng hàng rào. Điều đó có nghĩa phải gia tăng sức mạnh của khu vực EUR, có thể là sử dụng rộng rãi hơn trái phiếu EUR và chương trình bảo hiểm tiền gửi khu vực EUR”. Soros cũng khuyên giới lãnh đạo châu Âu cần có một kế hoạch dự phòng để lôi kéo sự ủng hộ chính trị cần thiết cho việc triển khai các biện pháp đó.

Mới đây, một bài báo của Wall Street Journal cho biết một số ngân hàng lớn nhất châu Âu đang có các động thái chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, chẳng hạn khi cuộc khủng hoảng nợ vượt tầm kiểm soát và 1 hoặc 2 nước rời bỏ đồng tiền chung châu Âu.

Theo tiết lộ của các giới chức ngân hàng, một số ngân hàng gần đây đã kiềm chế hoạt động cho vay sang Tây Ban Nha và Italia. Một số khác lại tăng cường gửi tiền vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các ngân hàng cũng tăng cường mua bảo hiểm chống vỡ nợ (CDS) đối với các loại nợ trái phiếu từ các nước có nguy cơ cao. Điều này chính là mối lo của các nhà lãnh đạo châu Âu, khi việc vỡ nợ có chọn lọc ở Hy Lạp có thể châm ngòi cho làn sóng đòi chi trả CDS.

Nhìn chung, các ngân hàng châu Âu ngày càng dè dặt hơn trong việc cho vay lẫn nhau, ngay cả với loại nợ ngắn hạn. Diễn biến này phản ánh nỗi lo ngại của các ngân hàng đã chuyển từ việc Hy Lạp có thể bị vỡ nợ sang một kịch bản tệ hơn là Athens hoặc một chính phủ khác có thể tháo chạy khỏi khu vực EUR. Hiện nay đang rộ lên làn sóng bán tháo tài sản liên quan đến Italia, vì lo ngại nước này sẽ nối gót Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

(tổng hợp)

Các tin khác