Hy Lạp thoát hiểm chưa hết lo

(ĐTTCO) - Sau 8 năm đối mặt với khủng hoảng với 3 gói hỗ trợ của châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hy Lạp đã tạm thoát hiểm. 
Athens chính thức sang trang sau cuộc khủng hoảng tài chính suýt đe dọa toàn Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, cái giá 11 triệu người dân Hy Lạp phải trả về mặt xã hội trở nên quá đắt.
Được hưởng 3 gói trợ giúp liên tiếp của Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF trị giá 320 tỷ EUR, kinh tế Hy Lạp có dấu hiệu bình phục. Vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia này, 25% GDP của Hy Lạp bốc hơi trong vòng 4 năm (từ năm 2009-2013). Nhưng từ cuối năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp đã từ 27%, giảm xuống còn 20%; ngân sách nhà nước từng bước lấy lại cân bằng. GDP đang từ số âm, nay đạt 1,7% trong tài khóa 2017 và dự trù tăng thêm 2-3% trong năm 2018.
Đó là những dấu hiệu khả quan cho thấy quốc gia Nam Âu này bắt đầu hồi phục.
Gói hỗ trợ thứ ba 86 tỷ EUR của bộ ba các nhà tài trợ quốc tế dành cho Hy Lạp sẽ đáo hạn vào ngày 20-8 tới, từ đó chính thức bước ra khỏi khủng hoảng. Theo đó, từ ngày 21-8 trở đi, Hy Lạp không còn được Liên minh châu Âu (EU) trợ giúp dưới dạng cấp tín dụng với lãi suất rất thấp từ 0-2%.
Hy Lạp thoát hiểm chưa hết lo ảnh 1 Người dân Hy Lạp vẫn tiếp tục thắt lưng buộc bụng để trả nợ. 
Từ năm 2012, châu Âu đã cho Athens vay 180 tỷ EUR dưới dạng này. Số tiền trên được trích ra từ Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF). Bên cạnh khoản tiền này, Hy Lạp còn vay thêm 50 tỷ EUR khác với từng đối tác trong EU.
Tổng cộng Athens đang vay tín dụng 230 tỷ EUR và tổng số nợ của Hy Lạp lên tới 350 tỷ EUR, tương đương với 180% GDP của nước này. Theo GS. Didier Marteau, Trường Cao đẳng Thương mại Europe-Paris, trong hoàn cảnh đó chưa thể nói Hy Lạp đã thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất. Khi không còn được EU hỗ trợ, Athens sẽ phải đi vay theo giá thị trường. Chắc chắn tiền lãi sẽ cao hơn, bởi các chủ nợ sắp tới của Hy Lạp là các nhà đầu tư tư nhân.
Theo nhà báo Georges Kapopoulos ở Athens, cuộc sống hàng ngày là những chuỗi dài khó khăn cho dù Hy Lạp không còn phải ngửa tay vay mượn tiền của các định chế tài chính quốc tế. Hiện EU đang đối mặt với nhiều thách thức: chính trị Italia gây lo ngại, tương lai của Eurozone vẫn bấp bênh bởi công cuộc cải tổ gặp trở ngại...
Tất cả những yếu tố này gây thêm khó khăn cho chính quyền Athens. Còn đối với người dân thường, cuộc sống hàng ngày chẳng có gì thay đổi. Hy Lạp sẽ tiếp tục thông qua các biện pháp cải tổ theo hướng thắt lưng buộc bụng. Năm tới, lương hưu sẽ còn bị cắt giảm tiếp, các khoản chi tiêu xã hội cũng sẽ còn bị siết thêm.
Hy Lạp sang trang mới thời kỳ không phải ngửa tay xin cấp tín dụng với giá rẻ, nhưng tình trạng nợ nần vẫn chồng chất: Athens vẫn phải đi vay thêm tín dụng để thanh toán nợ đáo hạn, kể cả việc để hoàn lại cho EFSF, IMF... Chỉ riêng khoản này, theo thẩm định của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), Athens phải dự trù 5-7 tỷ EUR để trả tiền lãi hàng năm cho các chủ nợ.
Hy Lạp đã trở lại với con đường tăng trưởng, nhưng tới khi nào GDP nước này mới tìm lại được mức thời điểm năm 2007? Về mặt xã hội, 22% dân số nước này sống trong cảnh nghèo khó, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi trong thập niên qua. Con số 22% cao gấp 3 lần so với mức trung bình trong EU.
Bên cạnh đó, Hy Lạp có ít nhất 2 nhược điểm khác là hệ thống ngân hàng và tình trạng tài chính yếu kém của các doanh nghiệp tư nhân. Trong gần 1 thập niên qua, các doanh nghiệp Hy Lạp gần như không đầu tư thêm, nhiều công ty phá sản. Số này trở thành những gánh nặng của giới ngân hàng. Nợ khó đòi của các ngân hàng Hy Lạp tăng nhanh, cao gấp 4 lần so với Italia, một điểm nóng khác của EU.

Các tin khác