Hy Lạp “tháo chạy” khỏi EUR?

Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang chuyển sang bước ngoặt mới. Tạp chí uy tín của Đức Der Spiegel, dẫn các nguồn tin thân cận chính phủ cho rằng Athens đang xem xét việc “tháo chạy” khỏi đồng tiền chung châu Âu (EUR) và quay lại với đồng tiền cũ của họ. Diễn biến này khiến các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro và các đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) phải khẩn cấp tiến hành một cuộc họp bí mật tại Luxembourg vào đêm 6-5 (giờ châu Âu).

Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang chuyển sang bước ngoặt mới. Tạp chí uy tín của Đức Der Spiegel, dẫn các nguồn tin thân cận chính phủ cho rằng Athens đang xem xét việc “tháo chạy” khỏi đồng tiền chung châu Âu (EUR) và quay lại với đồng tiền cũ của họ. Diễn biến này khiến các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro và các đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) phải khẩn cấp tiến hành một cuộc họp bí mật tại Luxembourg vào đêm 6-5 (giờ châu Âu).

Nền kinh tế Hy Lạp hiện phải đương đầu với hàng loạt vấn đề. Những cuộc biểu tình chống Chính phủ diễn ra gần như hàng ngày, đã khiến Thủ tướng George Papandreou có vẻ như không còn lựa chọn nào khác. Nguồn tin thân cận của báo Spiegel trong Chính phủ Đức, những người am hiểu tình hình ở Athens, đã cho tạp chí này biết như vậy.

Trước tình hình trên, một cuộc họp khẩn giữa EC và các bộ trưởng tài chính châu Âu đã diễn ra bí mật tại Château de Senningen, nơi hội họp chính thức của Chính phủ Luxembourg. Ngoài khả năng thoái lui của Hy Lạp khỏi khu vực đồng tiền chung, cuộc họp cũng bàn việc nhanh chóng tái cấu trúc nợ của nước này.

Một năm sau khi cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp bùng phát, diễn biến mới nhất dẫn đến bước ngoặt đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu. Vì tình huống hết sức khẩn cấp và nhạy cảm, Spiegel cho biết chỉ các bộ trưởng tài chính và những nhân vật rất cao cấp mới được tham dự hội nghị. Phía Đức có sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble và Jorg Asmussen, một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính.

Nội tệ sụp đổ

Các nguồn tin của Spiegel cho biết ông Schauble sẽ lên tiếng ngăn chặn việc “tháo chạy” của Hy Lạp. Ông cũng mang theo một tài liệu nội bộ do các chuyên gia của Bộ Tài chính Đức soạn thảo, trong đó nêu rõ những hệ quả nghiêm trọng nếu Athens rời bỏ EUR. “Điều đó sẽ dẫn đến một sự phá giá kinh khủng cho nội tệ mới của Hy Lạp đối với EUR” - tài liệu viết.

Theo ước tính của Đức, đồng tiền của Hy Lạp có thể mất tới 50% giá trị, khiến món nợ của Hy Lạp càng khủng khiếp hơn. Thâm hụt nợ công của Hy Lạp có thể tăng lên 200% GDP nếu sự phá giá xảy ra. “Việc tái cấu trúc nợ là không tránh khỏi. Hay nói cách khác: Hy Lạp sẽ phá sản” - tài liệu cảnh báo.

Xứ xở thần thoại muốn “tháo chạy” khỏi EUR. Minh họa: VĂN CƯỜNG

Xứ xở thần thoại muốn “tháo chạy” khỏi EUR. Minh họa: VĂN CƯỜNG

Vẫn chưa rõ việc Hy Lạp rút lui khỏi khu vực EUR có hợp pháp hay không. Các chuyên gia luật tin rằng Hy Lạp cần rời bỏ hoàn toàn khỏi Liên minh châu Âu (EU) trước khi rời bỏ đồng tiền chung. Cũng không rõ liệu các nước thành viên khác của khu vực EUR có thể bác bỏ một sự thoái lui đơn phương của Chính phủ Athens hay không.

Nhưng có một điều rõ ràng, là sự tháo chạy đó, dù có được chấp thuận hay không, cũng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế lục địa già. “Sự thay đổi đồng tiền có thể dẫn đến tình trạng tháo vốn. Và Hy Lạp có thể phải áp dụng những biện pháp chống tháo vốn ra khỏi đất nước. Điều này không phù hợp với luật cơ bản về tự do thị trường trong thị trường nội địa của châu Âu.

Ngoài ra, Hy Lạp sẽ bị loại khỏi thị trường vốn thế giới trong nhiều năm tới. Việc rút lui của một nước thành viên ra khỏi khu vực đồng tiền chung cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào chức năng của khu vực. Giới đầu tư quốc tế sẽ buộc phải tính tới khả năng những thành viên khác của EUR có thể rút lui” - tài liệu của Bộ Tài chính Đức.

Ngân hàng nguy kịch

Việc quay lưng lại với đồng tiền chung của Athens nếu xảy ra sẽ khiến ngành ngân hàng vốn đã suy yếu của Hy Lạp càng thêm nguy kịch hơn. “Việc thay đổi nội tệ sẽ làm tan biến toàn bộ cơ sở vốn của hệ thống ngân hàng và các ngân hàng trên cả nước sẽ phá sản. Các ngân hàng ở bên ngoài Hy Lạp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các định chế ở Đức và nơi khác sẽ phải đối mặt với những khoản thua lỗ khổng lồ đối với các món nợ ở Hy Lạp” - tài liệu Bộ Tài chính Đức.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng bị ảnh hưởng. Nhiều món nợ của ECB sẽ bị đánh dấu “không thể thu hồi”. Ngoài ra, ECB còn sở hữu một lượng lớn trái phiếu chính phủ Hy Lạp (khoảng 58 tỷ USD).

Nói ngắn gọn, sự tháo chạy khỏi khu vực EUR của Hy Lạp và việc nước này vỡ nợ tiếp sau đó sẽ rất đắt đỏ cho các nước eurozone và người đóng thuế trên toàn EU. Cùng với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các thành viên EU cam kết đóng góp 159,5 tỷ USD để ứng cứu Athens và một nửa số đó đã được chi.

Phản bác

Tin mới nhất cho biết cả Hy Lạp và EC đều phủ nhận việc Athens có dự định rút lui khỏi EUR, nhưng cuộc họp khẩn tại Château de Senningen thực sự có diễn ra. “Chúng tôi không bàn đến việc tháo lui của Hy Lạp khỏi khu vực EUR. Chúng tôi không muốn khu vực EUR bị tiêu tan không có lý do. Chúng tôi sẽ đưa ra bất kỳ biện pháp nào để tái cấu trúc nợ của Hy Lạp” - Thủ tướng nước chủ nhà Luxembourg, Chủ tịch Nhóm các nước sử dụng EUR (Eurogroup) Jean-Claude Juncker nói sau cuộc họp.

Jean-Claude Juncker cho biết thêm: “Chúng tôi nghĩ Hy Lạp cần một chương trình điều chỉnh xa hơn. Điều này sẽ phải được bàn bạc chi tiết trong cuộc họp Bộ trưởng Tài chính sắp tới”.

Như vậy, thông tin về dự định tháo chạy của Hy Lạp không được thừa nhận chính thức, nhưng việc nước này sẽ cần đến những ứng cứu xa hơn và khả năng tái cấu trúc nợ ở Hy Lạp là điều gần như đã được nhìn nhận. Trong khi đó, thị trường xem bài viết của Spiegel là nghiêm túc thông qua việc định giá EUR giảm hơn 1% so với USD.

Các tin khác