Hoa Kỳ khủng hoảng rác

(ĐTTCO) - Hoa Kỳ là một trong những nước tạo ra nhiều chất thải nhất thế giới, đặc biệt là tại các thành phố lớn với mật độ dân số cao. 

Tuy nhiên, theo chính sách mới về môi trường do Bắc Kinh thúc đẩy, Trung Quốc đã đóng cửa đối với đa số chất thải nhựa và giấy kể từ tháng 1-2018 do nước này không muốn là “bãi rác của thế giới”. Điều này khiến Hoa Kỳ đối mặt nguy cơ khủng hoảng rác thải.

 Trong hàng chục năm qua, nhiều doanh nghiệp, trong đó đa số có trụ sở tại Trung Quốc, đã mua toàn bộ rác thải từ nhựa và giấy, sau đó làm sạch, nghiền nát và biến thành nguyên liệu thô cho các nhà máy công nghiệp. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu hơn 50% phế liệu từ Hoa Kỳ. Đối với các loại rác thải như kim loại và bìa cứng, Trung Quốc chỉ đặt ra mức ô nhiễm 0,5% - một ngưỡng quá thấp đối với hầu hết công nghệ xử lý hiện nay của Hoa Kỳ. Các nhà quản lý chất thải Hoa Kỳ cho rằng dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ từ chối toàn bộ vật liệu tái chế. 
Trong nhiều tháng qua, một cơ sở tái chế rác thải của vùng đô thị Baltimore-Washington của Hoa Kỳ đang đối mặt với vấn đề nan giải sau khi Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu rác thải. Tại nhà máy Elkridge, bang Maryland, cách thủ đô Washington khoảng 1 giờ lái xe, 900 tấn rác thải liên tục đổ lên băng chuyền cả ngày và đêm.
Hàng chục công nhân đeo khẩu trang và găng tay phân loại các chất gây ô nhiễm từ vô số rác thải. Sản phẩm cuối mỗi dây chuyền phân loại là các kiện lớn chứa đủ loại rác gồm giấy, bìa cứng hoặc nhựa. Công ty Quản lý chất thải, vận hành nhà máy trên, cho biết phải tăng tốc độ của băng chuyền, đồng thời thuê thêm nhân công mới kịp xử lý rác thải. Tuy nhiên, đầu ra của nhà máy đã không còn được tiêu thụ. Vì vậy, công ty đang tìm cách bán những chai nhựa cho một khách hàng tại Nam Carolina và vận chuyển bìa cứng ra nước ngoài.
Hoa Kỳ khủng hoảng rác ảnh 1 Thu gom rác thải tại Washington (Hoa Kỳ). 
Theo tờ The Washington Post, hiện có tới 3,5 triệu tấn rác được thải ra trên thế giới mỗi ngày. Con số này cao gấp 10 lần so với 100 năm trước và dự kiến sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào cuối thế kỷ 21. Trong khi đó, riêng thành phố New York tạo ra 33 triệu tấn rác/năm, trong khi Lagos, thành phố lớn nhất của Nigeria chỉ sản sinh lượng rác thải bằng 1/15.
Tại Hoa Kỳ, mỗi tháng trung bình một người thải ra lượng rác tương đương với trọng lượng cơ thể của người đó, còn tại Nhật Bản con số này chỉ bằng 2/3. Hơn nữa, khi một quốc gia trở nên giàu có, thành phần chất thải cũng thay đổi, với nhiều bao bì, linh kiện điện tử, đồ chơi và các thiết bị gia dụng hơn là các vật liệu hữu cơ. Thế giới mỗi năm sản xuất hơn 300 triệu tấn nhựa và ước tính, đến năm 2050, sẽ có tới 5.250 tỷ đồ vật chất thải bằng nhựa khác nhau, tương đương 270.000 tấn.
Ở hầu hết các nơi trên thế giới, sự giàu có tỷ lệ thuận với lượng rác thải ra môi trường, nhưng ở Hoa Kỳ, những người nghèo cũng thải ra một lượng rác đáng kể. Mặc dù, New York có chính sách ưu tiên giải quyết rác thải so với các thành phố khác khi giấy, lon và chai nhựa được tách ra để tái chế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp tái chế ở đây còn quá nhỏ so với số lượng rác thải ra, số còn lại được đốt ở ngoài bang. Một trong những đề xuất về kế hoạch triệt thoái không còn rác của Thị trưởng New York chính là loại bỏviệc chuyển rác thải sang các bang khác vào năm 2030.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances, kể từ năm 1992 đến nay, 72% rác thải nhựa trên thế giới được xử lý tại Khu Hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục.

Các tin khác