Hệ thống đường sắt hiện đại đã “lột xác” cho Đài Loan như thế nào?

(ĐTTCO) - Hơn 100 năm tính từ khi bắt đầu được xây dựng, hệ thống đường sắt Đài Loan do người Nhật xây dựng vẫn có đóng góp rất quan trọng cho cuộc sống của người dân nước này.
Hệ thống đường sắt hiện đại đã “lột xác” cho Đài Loan như thế nào?

Đã 130 năm trôi qua kể từ khi hệ thống đường sắt Đài Loan bắt đầu được xây dựng, khi đó Trung Quốc bị Nhật đánh bại dưới thời nhà Thanh (1644-1912) sau đó phải chấp nhận để Đài Loan thuộc kiểm soát của người Nhật.

Đài Loan tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm, trong đó có hai sự kiện liên quan đến hệ thống đường sắt bao gồm việc kỷ niệm ngày khành thành hai nhà ga lớn ở trung tâm thành phố công nghiệp Đài Trung ở phía Tây Đài Loan và một nhà ga khác ở phía Bắc của thành phố Đài Bắc.

Theo Japan Times, trong 50 năm nắm quyền kiểm soát Đài Loan, người Nhật được cho là đã tạo ra nhiều dấu ấn lên Đài Loan. Người Nhật đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng quy mô lớn bao gồm cầu cảng, hệ thống thoát nước, xử lý chất thải và mạng lưới truyền thông.

Thế nhưng yếu tố lớn nhất đóng góp cho sự phồn vinh cho Đài Loan chính là hệ thống đường sắt. Khi người Nhật rời khỏi Đài Loan vào năm 1945, hệ thống đường sắt của Đài Loan khi đó được xếp vào nhóm hiện đại nhất tại châu Á thời điểm đó.

Cho đến tận bây giờ, hơn 100 năm tính từ khi bắt đầu được xây dựng, hệ thống đường sắt Đài Loan do người Nhật xây dựng vẫn có đóng góp rất quan trọng cho cuộc sống của người Đài Loan.

Giao thông đường sắt giờ không còn giữ vị thế chủ đạo như trước đây nhưng những nhà lãnh đạo Đài Loan vẫn thừa nhận tầm quan trọng của hệ thống đường sắt. Họ đồng thời cũng đã lên kế hoạch phát triển hơn nữa mạng lưới đường sắt của nước nay.

Tuy nhiên, người Trung Quốc mới là những người đi tiên phong xây dựng hệ thống đường sắt Đài Loan.

Trước đây, hàng hóa giữa Trung Quốc và Đài Loan có thời từng được vận chuyển thô sơ bằng xe súc vật kéo. Năm 1893, người Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt nối thành phố cảng biển Cơ Long lớn thứ 2 của Đài Loan với thành phố Tân Trúc ở phía Bắc Đài Loan.

Thế nhưng khi người Nhật bắt đầu vào Đài Loan năm 1895, hệ thống đường sắt thực sự được phát triển quy mô và bài bản hơn.

Ở thời điểm đó, người Nhật cho phép phát triển các công ty tư nhân kinh doanh dịch vụ đường sắt, đồng thời kết hợp nó với hệ thống do chính quyền kiểm soát, nhờ vậy hiệu quả hoạt động của tuyến đường sắt được nâng lên rõ rệt.

Ngoài ra, dịch vụ hành khách cũng được cải thiện, nhiều tuyến tàu chuyên phục vụ cho khách du lịch và người đi làm hàng ngày được mở ra.

Người Nhật rất đề cao vai trò của hệ thống đường sắt và coi nó như nền tảng phát triển của nền kinh tế, theo khẳng định của giáo sư sử học tại Đại học Taipei, ông Tsai Lung Bao: “Hệ thống đường sắt giúp kết nối phía Bắc với phía Nam Đài Loan, phía Đông với Phía Tây, cải thiện cuộc sống cho người dân và giúp kinh tế phát triển.”

Hệ thống đường sắt hiệu quả thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho Đài Loan. Trước tiên, nó giúp cho hoạt động vận chuyển các loại hàng hóa như than đá, đường, gỗ, sỏi trở nên nhanh hơn.

Khi các tuyến tàu được mở ra đến đâu, hoạt động kinh doanh được phát triển theo đến đó, nhờ vậy hoạt động phát triển công nghiệp tại nhiều thành phố nhỏ có tiền đề để phát triển, ví như trường hợp ngành gốm sứ đã tăng trưởng đáng kể tại thành phố Oanh Ca, Đài Loan.

Khi hàng hóa được vận chuyển dễ dàng đến những khu vực xa xôi, ngành nông nghiệp của Đài Loan cũng có nhiều thay đổi tích cực. Thực đơn của người Đài Loan thay đổi theo hướng đa dạng hơn khi họ có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn thực phẩm đến từ nhiều vùng khác thuộc Đài Loan, ví như vào mùa đông khi nông phẩm của vùng phía Nam được chuyển lên phía Bắc để phục vụ cho nhu cầu người dân nơi này.

Nhìn từ góc độ xã hội, hệ thống đường sắt cũng tạo ra được nhiều thay đổi lên đời sống của người Đài Loan. Nó khuyến khích quá trình đô thị hóa và sau đó là sự phát triển của các khu vực kinh tế tập trung với nhiều khu vực vệ tinh xung quanh nó. Nhiều người Đài Loan sống ở các khu vực lân cận và ngày ngày đi vào các khu vực trung tâm kinh tế để đi làm.

Thế nhưng tác động vô hình nhưng cực kỳ quan trọng mà hệ thống đường sắt đã tạo ra, đó chính là việc thay đổi cách nghĩ của người Đài Loan về sự đồng bộ hóa và làm việc đúng giờ, theo khẳng định của giáo sư chuyên nghiên cứu về văn hóa Đài Loan tại Đại học Giáo dục Đài Loan, ông Lee Shiao-feng.

Trước khi có hệ thống đường sắt, người Đài Loan, đặc biệt nông dân và ngư dân, chủ yếu sinh hoạt dựa trên quan sát của họ về thời tiết. Thế nhưng sự ra đời của hệ thống đường sắt khiến họ thay đổi thói quen của mình dựa trên giờ giấc được tính toán theo quy chuẩn của các ngành kinh doanh và hoạt động sản xuất.

Ông Lee phân tích: “Để không bị muộn tàu và đi làm muộn, người ta trở nên đúng giờ hơn. Trước khi người Nhật vào Đài Loan, người Đài Loan không hề khắt khe với thời gian đến như vậy.”

Thập niên 1940 đánh dấu sự suy giảm về quy mô của hệ thống đường sắt Đài Loan, một trong những nguyên nhân quan trọng chính là Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Hạ tầng đường sắt tại nhiều khu vực bị phá hủy và không còn có thể hoạt động được.

Thế nhưng sự co hẹp về quy mô của hệ thống đường sắt cũng phản ánh phần nào thay đổi trong cấu trúc của nền kinh tế. Khi hoạt động khai thác gỗ và khai mỏ sụt giảm về tầm quan trọng tính trong tổng quy mô của nền kinh tế, đường sắt không còn giữ vị thế chủ đạo như trước nữa.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Cơ quan quản lý đường sắt Đài Loan (TRA) nhận ra đường sắt đang phải đối diện với áp lực cạnh tranh từ một số phương tiện vận chuyển khác, ví như xe bus và sau này là ô tô cá nhân. TRA đã chọn con đường hợp tác và kết nối hệ thống chặt chẽ hơn với các bên vận hành phương tiện vận chuyển khác, nhờ vậy vẫn đảm bảo được sự phát triển của hệ thống đường sắt.

Một số nhà ga cũ như nhà ga ở Đài Chung được chỉnh sửa nhưng vẫn đảm bảo những nét cổ điển. Nó không chỉ còn là một nhà ga bình thường mà đã trở thành điểm đến du lịch được yêu thích với hàng triệu du khách trong suốt thế kỷ qua. Nhiều nhà ga khác ở thành phố Tân Trúc, Đài Nam và Cao Hùng cũng luôn được người Đài Loan cũng như khách du lịch quốc tế yêu thích vì kiến trúc đẹp của nó.

Có thể nói, với 150 năm lịch sử phát triển, hệ thống đường sắt do người Trung Quốc và sau này là người Nhật xây dựng, mở rộng đã thực sự mang lại cuộc sống mới cho người dân Đài Loan.

Các tin khác