Hậu trường IPO Facebook

Những nguồn thạo tin tiết lộ Facebook lên kế hoạch nộp đơn IPO vào ngày 1-2, kích hoạt một trong những cuộc chào bán cổ phiếu được chờ đợi nhất trong kỷ nguyên mạng xã hội.

Những nguồn thạo tin tiết lộ Facebook lên kế hoạch nộp đơn IPO vào ngày 1-2, kích hoạt một trong những cuộc chào bán cổ phiếu được chờ đợi nhất trong kỷ nguyên mạng xã hội.

Các nguồn tin cho biết Facebook dự kiến huy động chừng 5 tỷ USD trong đợt IPO này. Mục tiêu 5 tỷ USD dường như quá ít vì ước tính Facebook có thể huy động gấp đôi con số này, nhưng có thể đây là một bước đi thận trọng của ban lãnh đạo công ty.

Các công ty internet đã IPO năm ngoái như Groupon và Zynga ban đầu cũng đặt mục tiêu rất khiêm tốn để thăm dò phản ứng của thị trường và chỉ tăng lên sau khi bắt được nhu cầu của nhà đầu tư. Nếu đi theo hướng này và huy động được 10 tỷ USD, Facebook sẽ lập kỷ lục IPO công nghệ lớn nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục 5,9 tỷ USD do Infineon Technologies xác lập năm 2000, đồng thời mức vốn hóa thị trường của Facebook sẽ đạt 100 tỷ USD.

Ước tính, các ngân hàng đầu tư sẽ kiếm chác được khoảng 500 triệu USD tiền phí từ thương vụ Facebook. Theo giới phân tích, hậu trường IPO Facebook là cuộc đấu quyết liệt giữa 2 ông lớn ngành tài chính - ngân hàng Morgan Stanley và Goldman Sachs.

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg. 

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg.

Theo Thomson Reuters, trong 12 tháng qua, Goldman Sachs dẫn đầu 52 cuộc IPO huy động 11,8 tỷ USD, Morgan Stanley xếp thứ hai với 66 cuộc IPO huy động 10,1 tỷ USD. Goldman Sachs có lúc tưởng chừng trội hơn nhưng đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi thu xếp bán riêng 1,5 tỷ USD cổ phiếu Facebook cho các khách hàng giàu có vào năm ngoái, gây ra làn sóng phản đối dữ dội và chắc hẳn Facebook không hài lòng.

Trong lúc đó, số liệu do Bloomberg thu thập cho thấy trong năm 2011, Morgan Stanley đã chiếm lĩnh thị phần bảo lãnh phát hành IPO tại Hoa Kỳ, bán được 4,6 tỷ USD cổ phiếu và thu về 262 triệu USD tiền phí. Morgan Stanley đã đỡ đầu cho những vụ IPO lớn nhất của làng internet năm 2011, trong đó có Yandex NV, Zynga, LinkedIn.

Cuộc IPO của Google năm 2004 và Apple năm 1980 đều có bàn tay Morgan Sanley nâng đỡ. Michael Grimes - người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư công nghệ của Morgan Stanley - thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư nhằm tìm kiếm những công ty mới khởi sự có tương lai triển vọng và đã thiết lập những mối quan hệ thân thiết với giới tư bản. Grimes cũng được cho là có lợi thế từ mối hữu hảo lâu năm với đương kim COO Facebook Sheryl Sandberg.

Có nguồn tin cho biết Morgan Stanley được Facebook “chọn mặt gởi vàng” vào vị trí lead-left (đứng đầu bảo lãnh phát hành). 4 đại gia khác là Goldman Sachs, JPMorgan Chase & Co, Barclays, Bank of America sẽ có vai trò hỗ trợ.

Jack Ablin - Giám đốc đầu tư Ngân hàng tư nhân Harris đang quản lý khối tài sản 55 tỷ USD - nhận định: “Morgan Stanley đã đứng đầu nhiều thương vụ quan trọng trong lĩnh vực truyền thông xã hội, điều này chứng tỏ rằng Morgan Stanley có nhiều khả năng giúp Facebook IPO thành công nhất”. Dĩ nhiên, nếu Morgan Stanley ở vai trò đầu tàu thì họ phải nhận được phần chia phí lớn nhất.

Thông thường, các ngân hàng đầu tư tính mức phí bảo lãnh phát hành IPO huy động dưới 500 triệu USD là 7%, trên 1 tỷ USD là 4-5%. Các cuộc IPO tỷ USD ở Thung lũng Silicon có xu hướng bị đánh phí nặng hơn, bình quân là 5,8% trong giai đoạn 2000-2012. Dựa vào mức phí bảo lãnh phát hành cổ phiếu của Google và Visa, các nhà phân tích cho rằng phí IPO Facebook sẽ vào khoảng 2,5-2,8%.

Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng việc Morgan Stanley và Goldman Sachs quyết đấu với nhau để giành vị trí lead-left IPO Facebook có thể sẽ kéo phí xuống chỉ còn 1% tổng số tiền IPO. Bằng quy mô và tầm ảnh hưởng của mình, Facebook có khả năng đàm phán để hạ thấp mức phí.

IPO Facebook sẽ đặt ra chuẩn mực mới về mức độ các ngân hàng đầu tư chấp nhận hạ thấp phí nhằm giành được những thương vụ béo bở giữa thời buổi kinh tế toàn cầu đầy sóng to gió lớn như hiện nay.

Các tin khác