Hàng không châu Âu tê liệt vì núi lửa Iceland?

Sân bay quốc tế Keflavik ở Iceland. (Nguồn: Internet)
Sân bay quốc tế Keflavik ở Iceland. (Nguồn: Internet)
Sân bay quốc tế Keflavik ở Iceland. (Nguồn: Internet)

Việc núi lửa Grimsvoetn ở Iceland phun trào tạo ra cột tro bụi, khói và hơi nước cao tới 20km, khiến nước này phải đóng cửa sân bay quốc tế chính Keflavik và hủy các chuyến bay nội địa ngày 22-5, đã làm dấy lên lo ngại ngành vận tải hàng không châu Âu phải đối mặt với nguy cơ mới rối loạn các chuyến bay.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng "kịch bản" giao thông hàng không châu Âu hoàn toàn bị tê liệt như hồi mùa Xuân năm 2010 do núi lửa Eyjafjoell cũng ở Iceland phun trào, khó có thể lặp lại.

Phát biểu với báo giới ngày 22-5, tiến sỹ Martin Hensch làm việc tại Trung tâm nghiên cứu núi lửa thuộc trường Đại học tổng hợp Iceland, cho biết kết quả phân tích các mẫu tro bụi mà núi lửa Grimsvoetn phun lên không khí cho thấy về cấu trúc, các hạt tro bụi này to hơn và xù xì hơn so với các hạt tro bụi do núi lửa Eyjafjoell phun ra, do vậy chúng không thể phát tán xa và sẽ nhanh chóng rơi xuống đất.

Hơn nữa, ít nhất trong vòng vài ngày tới, gió vẫn thổi về hướng Bắc, chứ không thổi về phía châu Âu.

Theo ông Hensch, đợt phun trào này của núi lửa Grimsvoetn có thể kéo dài vài ngày hay vài tuần, tuy nhiên, người ta khó có thể dự đoán hướng gió sẽ thay đổi thế nào và bản thân hoạt động phun trào của núi lửa này diễn biến ra sao.

Núi lửa Grimsvoetn nằm dưới con sông băng lớn nhất ở Iceland và bắt đầu phun trào từ ngày 21/5 vừa qua.

Lần phun trào lần gần đây nhất của núi lửa Grimsvoetn vào tháng 10-2004, khiến các chuyến bay quốc tế đến Iceland đều bị hủy bỏ.

Các tin khác