Hàn Quốc phát triển "khai khoáng đô thị"

(ĐTTCO) - Tại nhà máy Công ty SungEel HiTech ở TP Gunsan, tỉnh Bắc Jeolla, các công nhân không ngừng khai thác các kim loại hiếm có nhu cầu cao nhất thế giới.
 Nhưng họ không đào đất hoặc tinh luyện quặng, mà trích xuất từ các loại pin điện thoại di động và máy tính xách tay cũ.
Một thập niên trước, SungEel HiTech, trụ sở tại TP Gunsan, từng phải xem lại hướng phát triển khi hoạt động thu hồi vàng và bạc từ màn hình TV plasma cũ bắt đầu suy giảm. Hiện nay, SungEel HiTech là nhà tái chế pin lớn nhất Hàn Quốc, nằm trong chuỗi cung ứng kim loại hiếm cho các nhà sản xuất pin xe điện lớn trên thế giới, bao gồm Samsung và LG Chem. Chủ tịch Yi Kang-myung của SungEel HiTech cho biết, sự thiếu hụt các kim loại hiếm khai thác từ các mỏ đã khiến SungEel HiTech tăng công suất gấp 3 trong năm 2018 này, với khách hàng là các hãng xe hơi lớn.
Mỗi năm, SungEel HiTech có thể xử lý khoảng 8.000 tấn pin lithium-ion đã sử dụng và phế liệu kim loại, từ đó có thể sản xuất 830 tấn lithium phosphate, 1.000 tấn cobalt và 600 tấn nickel. Lithium phosphate từ SungEel HiTech được nhà sản xuất của Hàn Quốc như hãng thép Posco dùng sản xuất lithium carbonate cung cấp cho các nhà chế tạo pin LG và Samsung. “SungEel HiTech là doanh nghiệp nhỏ hơn các đối thủ nước ngoài như Jiangxi Ganfeng Lithium và GEM Co của Trung Quốc, hay Umicore của Bỉ, nhưng công ty dự kiến tăng công suất lên 24.000 tấn vào năm 2019 và thêm nữa vào năm 2021, bao gồm việc mở rộng hoạt động ở nước ngoài” - Chủ tịch Yi của SungEel HiTech cho biết.
Hàn Quốc phát triển "khai khoáng đô thị" ảnh 1 Phân loại pin cũ tại nhà máy "khai khoáng đô thị" của công ty SungEel HiTech. REUTERS 
Theo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc (KIGMR), trong 3 năm qua, kim ngạch nhập khẩu các kim loại chính của Hàn Quốc để chế tạo pin lithium-ion đã tăng mạnh. Năm 2017, Hàn Quốc nhập 3,5 triệu tấn nickel và 13.972 tấn cobalt, tăng tương ứng 2% và 3,4% so với năm 2016. Trong tháng 3 vừa qua, giá cobalt đã tăng lên trung bình 87.615USD/tấn, cao gấp 4 lần so với giá vào tháng 1-2016. Giá tăng đã dẫn tới nhiều hợp đồng cung cấp dài hạn hơn và đầu tư phát triển các mỏ cũng như các nỗ lực tái chế. Samsung SDI cho biết, công ty có thể bắt đầu hoạt động tái chế riêng.
Khi Trung Quốc, nước sử dụng kim loại nhiều nhất thế giới, săn lùng cobalt và lithium từ các nước để chế tạo pin xe điện làm các kim loại chính này tăng giá và thiếu hụt toàn cầu, Hàn Quốc ngày càng gia tăng khai khoáng đô thị để thu hồi cobalt, lithium và các kim loại hiếm khác từ rác thải điện tử. Theo Viện Công nghiệp Hàn Quốc (KIIT), trong năm 2016, năm gần nhất có số liệu, một lượng kim loại trị giá 19.600 tỷ won (18,38 tỷ USD) đã được thu hồi từ vật liệu tái chế, đáp ứng khoảng 22% tổng nhu cầu kim loại của Hàn Quốc.
Theo Hiệp hội Khai khoáng Đô thị Hàn Quốc (KUMA), có khoảng 150 công ty cỡ vừa và nhỏ khai khoáng đô thị ở Hàn Quốc. Hầu hết thiết bị được tái chế, 60-70%, đến từ Hoa Kỳ và châu Âu, còn lại từ Hàn Quốc. Các công ty tái chế chủ yếu khai thác các kim loại quý như vàng và bạc, nhưng 4 công ty, gồm SungEel HiTech, có thể trực tiếp thu hồi cobalt hoặc sản xuất các loại bột từ thiết bị tái chế để từ đó chiết xuất các kim loại quý.
Tháng 1 năm nay, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã thay đổi quy định để thúc đẩy tái chế bằng cách tăng phí xử lý chất thải. Chuyên gia khai khoáng đô thị Park Jai-koo tại Đại học Hanyang ở Seoul cho biết, việc tái chế rác thải điện tử có thể giúp giảm tình trạng giá cao và hạn chế sự phụ thuộc các nguồn kim loại hiếm bên ngoài. Khai khoáng đô thị có thể là một hướng phát triển để Hàn Quốc đảm bảo nguồn tài nguyên, mà phần lớn còn phải nhập khẩu. 

Các tin khác