Gia tăng buôn lậu vàng vào Nhật Bản

(ĐTTCO) - Vàng đã trở thành một mặt hàng hấp dẫn ở Nhật Bản từ khi chính phủ tăng thuế tiêu thụ hàng hóa từ 5-8% vào tháng 4-2014. Dự báo nhu cầu vàng còn tiếp tục tăng trong tương lai khi chính phủ Nhật Bản tăng thuế lên 10% vào năm 2018.
Ngành kinh doanh béo bở
Cảnh sát Nhật Bản vừa cho biết, một toán cướp đóng giả làm cảnh sát lấy đi 190 triệu yen (1,68 triệu USD) tiền mặt từ một sinh viên Trung Quốc vừa bán 46kg vàng cho một cửa hàng kinh doanh kim loại quý ở Taito, thủ đô Tokyo Nhật Bản. Theo trang web tin tức Tokyo Reporter, khoảng 11 giờ ngày 13-11, sinh viên Trung Quốc trên đi cùng một sinh viên người nước ngoài khác, vừa ra khỏi cửa hàng nơi anh bán vàng thì bị 3 người trong sắc phục cảnh sát tiến đến yêu cầu trình hộ chiếu rồi cướp túi tiền tẩu thoát.
Nạn nhân đã báo cáo vụ cướp cho cảnh sát Taito, nhà chức trách đang điều tra và có thể cảnh sát sẽ thẩm vấn sinh viên Trung Quốc về nguồn gốc số vàng lớn đó. Đó chỉ là 1 trong hàng trăm vụ cảnh sát Nhật Bản nghi ngờ về hành vi nhập lậu vàng vào để kinh doanh kiếm lời. Do ở Hồng Công (Trung Quốc), mức thuế tiêu thụ vàng là 0%, nên mua vàng ở Hồng Công hoặc nơi nào khác ở châu Á rồi đưa lậu vào bán trên chợ đen ở Nhật Bản đã trở thành một ngành kinh doanh béo bở của các nhóm tội phạm.
Theo Vụ Hợp tác (Bộ Tài chính Nhật Bản), trước khi chính phủ tăng thuế cơ quan chức năng Hải quan Nhật Bản chỉ phát hiện được 8 vụ nhập lậu vàng vào Nhật Bản trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến tháng 6-2014. Nhưng số vụ nhập lậu vàng bị phát hiện tăng mạnh lên 177 vụ trong năm 2015 và 294 vụ trong 6 tháng đầu năm 2016.
Chưa có số liệu cụ thể cho năm nay, nhưng số vụ nhập lậu vàng được cho vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong số 294 vụ nhập lậu vàng bị phát hiện trong nửa đầu năm 2016, có 135 vụ từ Hồng Công, 88 vụ từ các thành phố Hàn Quốc và 27 vụ từ Singapore. Các quan chức chỉ ra rằng đó mới là bề nổi, những vụ buôn lậu vàng bị phát hiện và không thể xác định số lượng vàng đã nhập lậu thành công vào Nhật Bản.
Cùng số vụ buôn lậu vàng gia tăng là số vụ cướp liên quan vàng. Hồi tháng 4, giữa ban ngày ở thành phố Fukuoka, 3 tên cướp đã tấn công một nhân viên công ty kinh doanh vàng trụ sở ở Tokyo lấy đi 364 triệu yen (3,2 triệu USD), vụ cướp lớn thứ 4 ở Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới 2. Nhân viên này vừa ra khỏi một ngân hàng với một vali đầy tiền mặt vừa rút cho một giao dịch vàng thì bị nhóm cướp xịt hơi cay vào mặt rồi cướp tiền tẩu thoát.
Nhật Bản đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi buôn lậu vàng nặng hơn nhiều so với hiện nay. 
Liên quan băng đảng mafia 
Theo cảnh sát, phần lớn vàng nhập lậu vào Nhật Bản từ Hồng Công và vụ cướp 46kg vàng càng cho thấy rõ thành phố Fukuoka là trung tâm buôn lậu vàng quốc gia do gần các khu vực khác của châu Á và có các tuyến đường không ngày càng phát triển. Một yếu tố quan trọng khác là sự tham gia của các tổ chức tội phạm có ảnh hưởng và "đói tiền".
Theo Jake Adelstein, chuyên gia về thế giới ngầm Nhật Bản: "Các nhóm yakuza địa phương đang tuyệt vọng tìm kiếm nguồn thu nhập mới sau khi cảnh sát trấn áp các nguồn thu nhập truyền thống từ vài năm trước. Trong quá khứ, yakuza đã dựa vào bảo kê và tống tiền, nhưng cảnh sát đã loại bỏ hiệu quả các nguồn thu nhập đó. Vì vậy, họ đã phải sáng tạo và đã nhìn thấy cơ hội đang nằm ở vàng. Vàng có thể nhập lậu trốn thuế, cũng là một cách rửa tiền hiệu quả và luôn có thị trường sẵn sàng, đặc biệt là khi tăng giá. Tất cả những điều đó đã giúp tạo một thị trường chợ đen mới và rõ ràng đó là một cơ hội vàng cho yakuza đói thu nhập ở Fukuoka”.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới và có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định một số tội phạm phi bạo lực như ăn cắp, tham ô, buôn lậu vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn so với các tội phạm khác như giết người hay cướp có vũ khí. Đây được coi là dạng tội phạm dễ thu hút được những người già nhẹ dạ cả tin hoặc có hoàn cảnh sống khó khăn, bởi nó không đòi hỏi bạo lực hay phải sử dụng súng.
Tháng 12-2014, Hiroaki Ishimaru (45 tuổi) và Yuichi Nagano (30 tuổi), 2 thành viên băng đảng Yamaguchi-gumi, bị bắt tại sân bay quốc tế Fukuoka sau khi xuống máy bay từ Hồng Công, với 4 thỏi vàng, mỗi thỏi 1kg, tổng trị giá trị giá khoảng 18 triệu yen, trong vali. Tháng 12-2016, 2 người đàn ông có mối liên hệ với băng nhóm Inagawa-kai bị bắt giữ tại sân bay ở Okinawa sau khi hạ cánh từ Macau vì vận chuyển 113kg vàng. Tháng 7-2017, lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản chặn một tàu đánh bắt cá chở theo 208kg vàng, trị giá 9,1 triệu USD. Tháng 8-2017 vừa qua, 5 phụ nữ trong độ tuổi 50-60 bị bắt vì giấu 31kg vàng trong lớp quần áo, trong chuyến bay từ Hàn Quốc. Số vàng này ước tính trị giá khoảng 1,2 triệu USD.
Những tên cầm đầu ở Nhật Bản chi trả toàn bộ tiền vé máy bay, phí ăn ở cho các “con buôn” và tiền công 200-400USD cho mỗi 400gram vàng buôn lậu trót lọt. Trong trường hợp bị bắt giữ, họ sẽ không bị thẩm vấn mà sẽ thông qua người đại diện pháp lý. Bên cạnh đó, họ chỉ buộc tội trốn thuế và được trả lại số vàng nếu nộp phạt đầy đủ, tối đa 90.000USD.
Trước sự gia tăng tình trạng trên, chính phủ Nhật Bản đã công bố sẽ tăng cường ngăn chặn hoạt động buôn lậu vàng, cử thêm nhiều đội điều tra tại các sân bay chính, thắt chặt kiểm tra an ninh. Sẽ có thêm nhiều đội điều tra viên thường xuyên trực và kiểm soát chặt chẽ ở các khu vực trọng yếu ở Tokyo, Osaka và Fukuoka. Tổng số khoảng 20 chuyên gia sẽ hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không để tăng cường kiểm tra an ninh hàng không, trong đó có việc sử dụng cả máy dò kim loại do chính phủ Nhật cung cấp.
Hiện nay, mức phạt đối với hành vi buôn lậu vàng ở Nhật ước khoảng 10 triệu yên. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nhật đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi buôn lậu vàng nặng hơn nhiều so với hiện nay. Những khách du lịch mang vàng vào Nhật được yêu cầu sẽ phải nộp thuế tiêu dùng ngay khi họ vào Nhật. 

Các tin khác