Giá dầu liên tục chọc thủng các tầng đáy

Sự suy yếu của đồng bạc xanh đã tạo đà cho vàng hồi phục mạnh hơn trong phiên giao dịch cuối tuần, trong khi nỗi lo lắng về triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục nhấn chìm thị trường dầu thô phiên thứ 6 liên tiếp, đưa giá mặt hàng kỳ hạn này xuống dưới 92 USD/thùng.

Sự suy yếu của đồng bạc xanh đã tạo đà cho vàng hồi phục mạnh hơn trong phiên giao dịch cuối tuần, trong khi nỗi lo lắng về triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục nhấn chìm thị trường dầu thô phiên thứ 6 liên tiếp, đưa giá mặt hàng kỳ hạn này xuống dưới 92 USD/thùng.

Vàng nhích nhẹ trong tuần

Chốt phiên giao dịch đêm qua (18-5), giá vàng giao tháng 6 tăng 17 USD, tương ứng 1,1%, lên 1.591,90 USD/ounce tại bộ phận Comex của sàn hàng hóa New York. Cùng với mức tăng 2,5% trong phiên liền trước, giá vàng tuần này tăng nhẹ 0,5% so với tuần trước đó nhưng vẫn giảm 4,3% trong tháng.

Giới phân tích dự báo, giá vàng có thể sẽ gặp một số trở ngại nếu cố gắng bứt phá lên trên vùng 1.630 USD/ounce, do hiện tại vẫn còn khá nhiều yếu tố rủi ro có thể tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư quan tâm tới kim loại quý này, đặc biệt là tình hình kinh tế tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Cùng đi lên với vàng, giá bạc giao tháng 7 kết thúc phiên đêm qua tăng 70 cent, tương ứng 2,5%, lên 28,72 USD/ounce. Tuy nhiên, mức tăng này không đủ để kéo giá kim loại bạc khỏi tình trạng suy giảm trong cả tuần. Tính chung 5 ngày giao dịch vừa qua, giá bạc kỳ hạn loại này đã "bốc hơi" nhẹ 0,6%.

Tương tự, trong phiên 18/5, giá bạch kim giao tháng 7 tăng 5,9 USD, tương ứng 0,4%, lên 1.459,3 USD/ounce, nhưng tính cả tuần giảm nhẹ 0,8%. Trong khi, giá đồng giao cùng kỳ hạn giảm nhẹ 1 cent, tương ứng 0,3%, xuống 3,47 USD/lb trong ngày hôm qua, đưa mức giảm cả tuần lên 4,9%.

Giá palladium diễn biến cùng chiều với giá đồng, khi giảm 2,25 USD, tương ứng 0,4%, xuống 603,60 USD/ounce trong phiên 18/5, nhưng đi ngang nếu tính cả tuần giao dịch.

Dầu thô lập đáy giá mới

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tiếp tục giảm phiên thứ 6 do nhà đầu tư vẫn lo lắng về triển vọng toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ giảm sút của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cụ thể, chốt phiên giao dịch 18/5, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 6 giảm 1,08 USD, tương ứng 1,2% xuống còn 91,48 USD/thùng trên sàn New York.

Tính chung cả tuần vừa qua, giá dầu thô đã giảm tới 4,8% và đây là tuần thứ 3 liên tiếp, giá mặt hàng này suy giảm, chủ yếu xuất phát từ cơn biến động chính trị ở châu Âu và việc dự trữ dầu thô tại Mỹ hiện lên cao nhất 22 năm. Với mức đóng cửa đêm qua, hiện giá dầu thô đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 26/10/2011.

Cũng trong phiên đêm qua, giá các mặt hàng năng lượng khác có sự tăng giảm trái chiều. Xăng tháng 6 tăng 1 cent, tương ứng 0,4%, lên 2,89 USD/gallon. Dầu sưởi giảm 2 cent, tương ứng 0,7%, xuống 2,83 USD/gallon, mức thấp nhất kể từ ngày 19/12/2011 tới nay. Tính cả tuần, dầu sưởi giảm 4,5%, giá xăng hạ 3,7%.

Trong khi đó, giá khí tự nhiên giao tháng 6 tăng 15 cent, tương ứng 5,7%, lên 2,74 USD/ triệu BTU trong phiên 18/5, mức giá cao nhất kể từ ngày 11/1/2012, nâng mức tăng giá trong suốt tuần qua lên tới 9,3%.

Nông sản trồi sụt nhẹ

Trên thị trường nông sản, chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá cacao loại hợp đồng giao sau tăng khá mạnh 49 USD, tương ứng 2,20%, lên 2.273 USD/tấn. Trong khi, giá cà phê arabica giảm nhẹ 0,53% xuống đóng cửa ở mức 179,15 cent/lb. Giá đường thô thế giới loại kỳ hạn giảm mạnh 1,87%, xuống còn 20,47 cent/lb.

Tương tự, giá ngô giao sau tăng 10,5 cent, tương ứng 1,68%, lên 635,5 cent/bushel. Giá yến mạch tăng 1,5 cent, tương ứng 0,44%, lên 340 cent/bushel. Ngược dòng, giá đậu tương giao sau giảm 33 cent, tương ứng 2,29%, xuống còn 1.405 cent/bushel. Giá gạo chưa xay xát tại sàn CBOT giảm 0,59% còn 15,175 USD/cwt.

Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, hầu hết các mặt hàng nông sản đang trong xu hướng giảm giá. Chốt tuần trước, giá cacao hợp đồng giao sau đứng ở 2.319 USD/tấn; cà phê arabica chốt ở 177,15 cent/lb; ngô là 581 cent/bushel; yến mạch đứng ở 332 cent/bushel và gạo chưa xay xát ở mức 15,705 USD/cwt.

Các tin khác