Giá dầu giảm trước bất ổn kinh tế toàn cầu

Ngày 18-7, giá dầu trên thị trường châu Á đi xuống trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều điều chưa chắc chắn như vấn đề nợ của Chính phủ Hoa Kỳ và sức ép về tài chính tại châu Âu ngày càng lớn.

Chiều cùng ngày, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 8-2011, giảm 13 cent,  xuống 97,11USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9-2011 giảm 36 cent, xuống 116,9USD/thùng.

Victor Shum, nhà phân tích cao cấp của công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz, có trụ sở tại Singapore, nhận định bế tắc chính trị trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Mỹ đang là nhân tố "phủ bóng đen" lên thị trường dầu mỏ.

Theo ông Shum, mối lo ngại hiện nay là liệu chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Brack Obama và đảng Cộng hòa có đạt được đồng thuận về việc nâng mức trần nợ của nước này hay không.

Ngày 17-7, kế hoạch lưỡng đảng đã đưa ra tại Thượng viện, nhằm cho phép Tổng thống Obama ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa vỡ nợ, bằng việc tiết kiệm 1.500 tỷ USD.

Theo kế hoạch này, đại diện của đảng Cộng hòa, Mitch McConnell và đại diện của đảng Dân chủ, Harry Reid đang nỗ lực làm việc để đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa là đến "ngày phán quyết" (2-8) về việc Hoa Kỳ có xảy ra vỡ nợ hay không.

Tuy nhiên, nhiều nhà giao dịch tỏ ra nghi ngờ về triển vọng hai bên thống nhất được giải pháp trong ngắn hạn, sau khi các cuộc đàm phán trong 5 năm liên tiếp vừa qua đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Theo cuộc điều tra gần đây do hãng Thomson Reuters và Đại học Michigan tiến hành, trong tháng 7-2011, chỉ số lòng tin tiêu dùng của Hoa Kỳ đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.

Trong khi đó, tại châu Âu, sau khi sát hạch 91 ngân hàng về khả năng đối phó trước các cú sốc giả định như thị trường chứng khoán trượt dốc, thị trường bất động sản sụt giảm, bị đánh tụt hạng tín dụng hay một cuộc suy thoái kéo dài 2 năm, Cơ quan quản lý ngành ngân hàng châu Âu (EBA) cho biết 8 ngân hàng tại "lục địa già" đã không vượt qua được cuộc sát hạch này.

Trong đó có 5 ngân hàng của Tây Ban Nha, 2 ngân hàng của Hy Lạp và 1 ngân hàng của Áo. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp sẽ lây lan sang các quốc gia khác trong khu vực, làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đã yếu ớt của các nước này.

Các tin khác