Giá dầu châu Á 12-5: Phục hồi

Ảnh minh họa. (Nguồn; Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn; Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn; Internet)

Giá dầu đã phục hồi trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 12-5 sau đêm lao dốc trên các thị trường London và New York trước khả năng sụt giảm nhu cầu tại Hoa Kỳ và Trung Quốc - hai quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Trên sàn giao dịch Singapore vào chiều 12-5, giá dầu thô ngọt nhẹ New York giao tháng 6 tăng 1,06USD, lên 99,27USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn cũng tăng 94 cent, lên 113,51USD/thùng.

Nhận định về phiên giao dịch này, nhà phân tích đầu tư Ong Yi Ling thuộc Phillip Futures tại Singapore nói: "Sự hồi phục hôm nay mang tính kỹ thuật nhiều hơn sau khi thị trường có một phiên bán tháo mạnh vào hôm trước".

Trong phiên trước (11-5), giá dầu tại các thị trường London và New York đã lao dốc khi các nhà đầu tư đón nhận những số liệu cho thấy nhu cầu dầu tại Hoa Kỳ đang giảm sút, trong khi giá đồng bạc xanh lại tăng lên khiến dầu mỏ - loại hàng hóa được giao dịch bằng USD trở nên đắt đỏ hơn.

Chốt phiên 11-5 trên sàn New York, giá dầu thô ngọt nhẹ New York giao tháng 6 giảm 5,5%, tương ứng giảm 5,67USD xuống 98,21USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc cùng kỳ hạn giảm 5,06USD xuống, 112,57USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, giá dầu thô ngọt nhẹ New York đang phải chịu sức ép sau khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DoE) cho biết lượng dầu dự trữ của quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới trong tuần trước (kết thúc vào ngày 6-5) đã bất ngờ tăng 3,8 triệu thùng, lên 370,3 triệu thùng. Như vậy là trong vòng 2 tuần qua, kho dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ đã tăng thêm gần 10 triệu thùng.

Lượng xăng dự trữ trong tuần kết thúc ngày 6-5 cũng tăng ngoài dự kiến thêm 1,3 triệu thùng lên 205,8 triệu thùng. Lượng dự trữ tăng lên cho thấy nhu cầu giảm đi.

Ngoài ra, giá dầu đi xuống trong phiên 11-5 còn do các số liệu từ Trung Quốc cho thấy tình hình lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn ở mức cao hơn mục tiêu của chính phủ, làm dấy lên những lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra những giải pháp làm nguội đi nền kinh tế, và từ đó làm sụt giảm nhu cầu dầu.

Trong một động thái có liên quan, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 11-5 dự đoán nhu cầu dầu thế giới sẽ không thay đổi trong năm nay, khi sức tiêu thụ mạnh tại Trung Quốc chỉ đủ để bù đắp cho nhu cầu yếu ớt tại Mỹ do những bất ổn về triển vọng kinh tế Hoa Kỳ và tại Nhật do tác động của thảm họa động đất-sóng thần.

Các tin khác