Giá dầu báo bão?

Giá dầu đã giảm 30% kể từ tháng 3 và có vẻ sẽ tiếp tục chịu sức ép vì sản lượng cao trong lúc nhu cầu giảm. Sự lao dốc của giá dầu khiến nhiều người lo ngại như một dấu chỉ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Giá dầu đã giảm 30% kể từ tháng 3 và có vẻ sẽ tiếp tục chịu sức ép vì sản lượng cao trong lúc nhu cầu giảm. Sự lao dốc của giá dầu khiến nhiều người lo ngại như một dấu chỉ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Trong ngày giao dịch cuối tuần, dầu thô West Texas Intermediate (WTI) tăng 2% và dầu Brent cũng lên lại trên ngưỡng 90USD/thùng, nhưng giới chuyên gia phân tích cho rằng đây chỉ là tia sáng lóe lên rồi sẽ nhanh chóng tắt ngúm, vì hiện có nhiều yếu tố gây sức ép lên giá dầu.

Cũng như chứng khoán và các loại tài sản rủi ro khác, dầu thô đã trở thành nạn nhân của đợt bán tháo trong ngày 20 và 21-6. Do tác động cộng hưởng của những nỗi lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm lại, khủng hoảng nợ châu Âu, các ngân hàng lớn trên thế giới bị Moody’s hạ từ 1-3 bậc tín nhiệm, trong lúc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) không có dấu hiệu gì sẽ tung ra chương trình nới lỏng định lượng (QE3), khiến giá dầu rớt xuống đáy thấp nhất 8 tháng. Tính từ tháng 3, dầu đã giảm giá 30%.

Giá dầu giảm mạnh dự báo tương lai tăng trưởng toàn cầu ảm đạm.

Giá dầu giảm mạnh dự báo tương lai tăng trưởng toàn cầu ảm đạm.

Dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tuyên bố duy trì sản lượng ở mức 30 triệu thùng/ngày nhưng sản lượng thực tế đã cao hơn do Saudi Arabia bơm thêm dầu để hưởng ứng Hoa Kỳ trừng phạt Iran, cùng lúc, Iraq và Libya cũng đẩy mạnh sản xuất dầu.

Sản lượng của OPEC được đẩy lên cao hơn bình thường, đạt 31,5 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Bên cạnh đó còn có nguồn dầu thô từ khu vực Bắc Mỹ. Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates, cho biết: “Hoa Kỳ đã tiến sát mốc 6,4 triệu thùng/ngày, cao nhất trong vòng 13 năm qua, ước tính nhiều hơn tháng 6 năm ngoái 800.000 thùng, tức tăng khoảng 14%”.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng dầu thế giới đang ở đỉnh kỷ lục 91,1 triệu thùng/ngày, trong lúc nhu cầu toàn cầu trong tháng 5 chỉ 89,9 triệu thùng/ngày, như vậy, mỗi ngày dôi ra 1,2 triệu thùng dầu cung vượt cầu.

Chuyên gia John Kilduff của Again Capital dự báo sau khi dầu WTI tuột dưới mốc 78USD/thùng, mốc tiếp theo sẽ là 72USD/thùng, và nếu các ngân hàng trung ương không tung ra các gói kích thích kinh tế thì dầu sẽ còn xuống nữa. Lúc đó, mức giá 68USD/thùng cũng không là chuyện xa vời.

Tương tự, Ed Morse, Trưởng bộ phận nghiên cứu giá cả hàng hóa của Citigroup, cho rằng “không có lý do nào để giá dầu Brent hồi phục vững chắc trên 100USD/thùng và WTI trên 85USD/thùng vào nửa cuối năm nay”. Gene McGillian của Tradition Energy nhận định: “Tôi sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên nếu giá dầu có vài phiên bật lên do tác động của việc chốt lời. Tuy nhiên, xu hướng của thị trường vẫn là xuống dốc, và thị trường sẽ liên tục dò đáy trừ phi tình hình kinh tế được cải thiện”.

Thế nhưng tình hình kinh tế khi nào mới được cải thiện? Tuần này, Hoa Kỳ sẽ công bố một số thông tin sức khỏe nền kinh tế lớn nhất hành tinh và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp vào cuối tuần để một lần nữa tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, giới quan sát không mấy lạc quan, họ cho rằng “bão” vẫn tiếp diễn, đầu tư vào dầu đầy rủi ro, dễ bị tổn thất.

Lúc này, đến lượt giá dầu được xem như chỉ dấu hàng đầu phản ánh tình hình kinh tế. Giá dầu không ngừng lao dốc chỉ ra rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Trong đó, các thách thức lớn nhất bao gồm nguy cơ đóng băng chính sách ở Hoa Kỳ ít nhất cho tới sau cuộc bầu cử tháng 11, khiến các công ty ngần ngại chi tiêu hoặc tuyển dụng tạo việc làm, đồng thời mớ bòng bong châu Âu lan rộng, và nỗi đau tài chính ở Tây Ban Nha, Italia sẽ bùng lên ngay trong hè này.

Các tin khác