G20 đối đầu thách thức

Những người đứng đầu Quốc hội của 20 quốc gia có nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới (G20) đã tề tựu về thủ đô Seoul, Hàn Quốc để thảo luận về các vấn đề được cộng đồng quan tâm như chống khủng bố, tăng trưởng ổn định…

Những người đứng đầu Quốc hội của 20 quốc gia có nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới (G20) đã tề tựu về thủ đô Seoul, Hàn Quốc để thảo luận về các vấn đề được cộng đồng quan tâm như chống khủng bố, tăng trưởng ổn định…

Với chủ đề “Thế giới an toàn, tương lai tươi sáng”, cuộc họp lần này diễn ra trong 2 ngày (19 và 20-5). Tại diễn văn khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Hee-tae, người chủ trì hội nghị lần này, đã nhấn mạnh: Người dân toàn cầu hiện đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm thảm họa thiên nhiên, đói nghèo, khủng bố, biến đổi khí hậu và khủng hoảng hạt nhân. Không một quốc gia nào có thể tự giải quyết các vấn đề trên, cần sự hợp tác của cộng đồng quốc tế.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh an ninh được đặt ở mức cảnh giác cao sau cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden và tình hình bạo loạn tại Trung Đông chưa có hồi kết.

Quang cảnh Hội nghị G20 tại Seoul.
Quang cảnh Hội nghị G20 tại Seoul.

Cạnh tranh không lành mạnh

Có thể thấy, những thách thức hội nghị lần này đề cập không hề mới. Bản thân các hội nghị G20 trước đây đã nhiều lần nhắc đến các vấn đề này nhưng chưa có những biện pháp giải quyết cụ thể. Xung đột tiền tệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian gần đây đặt nền kinh tế thế giới đang hồi phục mong manh sau cuộc khủng hoảng 2008 trước nguy cơ đổ vỡ.

Từ tháng 6-2010 đến nay, giá trị đồng nhân dân tệ (NDT) đã tăng 5% so với USD. Hoa Kỳ cũng thừa nhận sự tăng giá trên nhưng vẫn cho rằng Trung Quốc phải định giá NDT cao hơn nữa để cạnh tranh công bằng trong xuất khẩu.

Về phía mình, Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng chính sách tiền tệ làm giảm giá USD, tạo ra sự bất ổn trong dòng chảy vốn quốc tế. G20 đã xử lý ra sao? Chỉ dừng lại ở mức lên án “Trung Quốc và Hoa Kỳ phải cùng chịu trách nhiệm” mà không có lời giải cho bài toán xung đột trên.

Cuộc chiến tiền tệ chưa được đẩy lên mức cao hơn là do những thỏa thuận song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đối thoại chiến lược Hoa Kỳ - Trung Quốc diễn ra trung tuần tháng 5 vừa qua với các bản hợp đồng ký kết trị giá hàng chục tỷ USD là hy vọng mong manh để tránh xảy ra một cuộc chiến tiền tệ thực sự.

Trong khi đó, cạnh tranh thương mại không lành mạnh vẫn tiếp diễn. Báo L’Expansion của Pháp trích báo cáo gần đây của nhóm Global Trade Alert (GTA) cho biết từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 6-2010 ở Toronto, Canada, các nước giàu mặc dù đã cam kết mở cửa thương mại thế giới, nhưng vẫn đưa ra 111 biện pháp mới bảo hộ mậu dịch. Các biện pháp này đã tác động tiêu cực đến trao đổi thương mại quốc tế và ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế kém phát triển hơn.

Đối phó bão giá

Thế giới đang trong cơn bão lạm phát khi giá thực phẩm, nhiên liệu không ngừng tăng cao. Theo tờ Wall Street Journal (Hoa Kỳ), giá ngũ cốc có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do tình hình thời tiết khô hạn ở châu Âu và gieo trồng chậm trễ tại Hoa Kỳ. Giá lúa mì giao tháng 7 tại Hoa Kỳ hiện đã tăng lên 10 xu/giạ ở mức 7,74USD/giạ; giá ngô tăng lên 5 xu/giạ ở mức 7,25USD/giạ… Hầu hết các thương nhân đều nhận định rằng giá ngũ cốc sẽ tăng thêm 5-15 xu trong thời gian tới.

Việc giá cả tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến các quốc gia nghèo khi lạm phát tăng cao sẽ kéo theo sự suy giảm về tăng trưởng. Người dân ở quốc gia nghèo sẽ trở thành đối tượng gánh chịu những hậu quả nặng nề của cơn bão giá. Kinh tế chỉ thực sự phục hồi ở một số quốc gia tiềm lực mạnh như Anh, Đức, Hàn Quốc…

Việc giải quyết những thách thức đã nêu trên rất cần sự chung sức và quyết tâm của G20. Quyết tâm đó phải thể hiện qua những kế hoạch hành động cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở những hội thảo, văn bản như những cuộc họp đã qua của G20.

Các tin khác