Facebook để làm gì?

(ĐTTCO) - “Tôi có mối quan hệ yêu - ghét với Facebook. Nếu có dòng trạng thái cập nhật cho Facebook, thì đó sẽ là một quan hệ phức tạp”. 
Đó là chia sẻ trải nghiệm của Chua Mui Hong, nữ biên tập viên (BTV) nhật báo Singapore The Straits Times (TST)  trong một bài viết mới đây về việc sử dụng Facebook. Cho độc giả biết mình đã có mặt trên mạng xã hội (MXH) này từ nhiều năm nay, cô Chua thú nhận rằng bản thân cô cảm thấy khá thích thú khi dùng Facebook cho công việc, như cổ động các bài viết của TST, đọc thông tin của người khác hay giao lưu và nhắc nhở cộng tác viên viết bài cho báo.
Cô cho biết mình bị ám ảnh bởi những cái “Thích”, “Chia sẻ”, “Bình luận” của nhiều “bạn bè” trên Facebook, nhờ đó cô có cảm giác gắn bó với cộng đồng và thậm chí cả nhiều người cô chưa bao giờ quen biết. “Facebook là công cụ giao tiếp hữu ích đối với tôi và những người làm công việc liên quan đến tin tức, thông tin hay truyền thông” - cô Chua nói.
Những chia sẻ của nữ BTV Chua Mui Hong cũng là cảm nhận của tôi sau một thời gian lang thang trên Facebook. Thú thật, nhờ đọc tâm sự của cô Chua, tôi đã tiếp cận thêm một số thông tin, kiến thức và kỹ năng về MXH nói chung và Facebook nói riêng, trong đó có tầm quan trọng của tính bảo mật và riêng tư cá nhân.
Facebook để làm gì? ảnh 1  Ảnh minh họa. 
Mon men vào trang Facebook của Chua Mui Hong tôi học được thêm tính chuyên nghiệp của một nhà báo ở Singapore. Trong phần giới thiệu bản thân trên trang cá nhân, cô Chua cho biết những lời đăng tải (posting) của cô thể hiện quan điểm nhất quán từ những trang viết trên báo in và hoàn toàn không mâu thuẫn giữa ý kiến cá nhân với lập trường của TST. Cách sử dụng Facebook của cô và nhiều nhà báo ở Singapore rõ ràng chuyên nghiệp hơn một số nhà báo “chân trong chân ngoài” ở một số nước trong khu vực mà tôi được biết.
Nhưng không phải người Singapore nào cũng biết cách dùng Facebook phục vụ công việc và bảo vệ sự riêng tư cho bản thân. Điều đáng mừng là người dân đảo Sư tử đã có ý thức cao hơn về tầm quan trọng của thông tin cá nhân, sau khi đại diện của Facebook thú nhận rằng 87 triệu tài khoản Facebook trên toàn cầu đã bị rò rỉ, trong đó  hơn 65.000 người sử dụng Facebook tại Singapore cũng bị ảnh hưởng vào tháng 3 vừa qua.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Singapore hiện có không dưới 4 triệu người dùng Facebook, với  trên  50% là nam giới và 75% dưới 45 tuổi. Một MXH khác là Instagram cũng có hơn 2 triệu người sử dụng, trong đó đa phần là phụ nữ (55%) và giới trẻ độ tuổi 18-44. Bản thân tôi có 2  tài khoản Facebook nhưng cũng chủ yếu dùng để tìm kiếm thông tin, học ngoại ngữ, giao lưu với bạn bè thân hữu và quản lý con cái. Con gái tôi cũng có Facebook nhưng cháu dùng Instragram nhiều hơn, còn tôi không có tài khoản cho MXH này.  
Theo khảo sát mới đây của tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu thị trường và thông tin thị trường TNS, người Singapore giờ đây càng dành thời gian hơn cho Facebook để mua sắm trên mạng, giao tiếp xã hội và kết nối thông tin nhiều hơn so với mức độ trung bình của nhiều nước trên thế giới. 25% người Singapore dùng Facebook cả lúc xem tivi. Facebook cũng trở thành công cụ tìm kiếm thông tin của nhiều người Singapore, trong đó du lịch, ẩm thực và mỹ phẩm là những chủ đề được quan tâm nhất.
Chính vì thế, Facebook đã tung ra tính năng Marketplace (tạm dịch là “thương trường”) cho phép người sử dụng tại Singapore có thể trao đổi mua bán qua một ứng dụng đặc thù với bản chào hàng chi tiết có thông tin về địa điểm bán hàng, giá cả và chủng loại như hàng nội thất, điện máy hay đồ gia dụng.
Theo đó, người bán có thể đối thoại với người mua qua Messenger, hoặc kết nối với những người muốn mua hàng của mình ở khu vực địa phương. Người bán cũng có thể chọn trong số nhiều danh mục khi niêm yết các mặt hàng trên Marketplace để người mua tiềm năng có thể tìm kiếm các mặt hàng dễ dàng hơn. Điều thú vị là Facebook không thu bất cứ phần trăm nào từ các giao dịch của người sử dụng trên Marketplace.
Trên thế giới hiện nay chỉ 47 nước có thể dùng tính năng Marketplace và Singapore là quốc gia thứ 3 tại châu Á (sau Thái Lan và Ấn Độ) được Facebook cung cấp dịch vụ này. Theo PGS.TS Seshan Ramaswami chuyên về marketing tại Đại học Quản lý Singapore, tính năng mới này của Facebook sẽ là mối đe dọa với các ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như Amazon và Lazada.
“Phi thương bất phú”, Facebook sẽ khiến người sử dụng dành nhiều thời gian trên mạng cho các quan hệ xã hội và để kinh doanh mua bán. Tính năng di động của Marketplace cũng gãi đúng chỗ ngứa cho một thị trường có tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) rất cao. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Statista, trong năm 2017 tại Singapore đã có 3,55 triệu người truy cập internet bằng ĐTDĐ và con số này có thể lên đến 4,07 triệu vào năm 2021. 
Tuy nhiên, cái giá người sử dụng Facebook nói riêng và MXH nói chung, là những phiền toái có thể xảy ra đối với cuộc sống cá nhân và cả nghề nghiệp. Dù muốn hay không, cư dân mạng phải chấp nhận đánh đổi quyền tự do riêng tư để được sử dụng “chùa” các dịch vụ thú vị và hấp dẫn của các doanh nghiệp kinh doanh truyền thông xã hội. Tuyên bố đầu tiên của Facebook người sử dụng đọc được khi tạo tài khoản mới là “miễn phí và sẽ luôn như vậy”.
Nhưng ít ai biết rằng chính mình đã bắt đầu trở thành “sản phẩm” sau khi gia nhập cộng đồng MXH. Bởi sự tồn tại của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông xã hội tùy thuộc vào việc thu thập, phân tích, khai thác và kiếm tiền từ dữ liệu của người sử dụng. Sân chơi miễn phí cho người sử dụng thật ra là nồi cơm của các MXH.
Càng có nhiều người ra vào sân chơi này, dữ liệu càng đa dạng và phục vụ cho mục đích quảng cáo, hay những ý đồ kinh tế - chính trị - xã hội nào đó. Vì thế, cho dù cam kết của Facebook hay các MXH khác là bảo mật thông tin cá nhân nhưng người sử dụng nên ý thức rằng, tất cả hành vi hay động thái của mình khi truy cập MXH đều có thể được cá nhân hay công ty nào đó quan tâm và theo dõi.
Singapore, ngày 15-8-2018

Các tin khác