Eurozone tái thu hút đầu tư

Trong 4 tháng cuối năm 2012, gần 100 tỷ EUR từ các quỹ đầu tư tư nhân đã chảy trở lại vào các nước bị thiệt hại nặng nề vì cuộc khủng hoảng nợ công, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khuyến khích tái đầu tư vào những nước này.

Trong 4 tháng cuối năm 2012, gần 100 tỷ EUR từ các quỹ đầu tư tư nhân đã chảy trở lại vào các nước bị thiệt hại nặng nề vì cuộc khủng hoảng nợ công, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khuyến khích tái đầu tư vào những nước này.

Quy mô của dòng chảy vốn ròng tương đương khoảng 9% GDP của 5 nước Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha, Ireland và Hy Lạp cộng lại. Sự quay về của dòng vốn được xem như tín hiệu tích cực cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào đồng tiền chung của châu Âu sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cam kết bảo vệ đồng EUR.

Sự quay lại của dòng vốn cũng cổ vũ các nhà hoạch định chính sách tin rằng cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng EUR (Eurozone) đang trôi qua. EUR cũng tăng giá rõ rệt trong thời gian qua.

Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) của Hoa Kỳ tuần trước cho thấy giới đầu tư lạc quan về đồng tiền chung châu Âu hơn so với 18 tháng qua. EUR đã đạt mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2011. 

Dòng chảy vốn đã quay lại các nước Eurozone.

Dòng chảy vốn đã quay lại các nước Eurozone.

Tuy nhiên, dòng chảy vốn của các quỹ tư nhân hiện nay vào khu vực đồng EUR vẫn quá nhỏ so với dòng chảy vốn ra vào đầu năm 2012, khi nhiều thị trường tài chính lo ngại Eurozone sẽ tan rã.

Tổng dòng chảy vốn ròng vào 5 nước bị khốn đốn ở Eurozone trị giá 93 tỷ EUR trong 4 tháng cuối năm 2012. Ngược lại, 8 tháng đầu năm 2012, có tới 406 tỷ EUR chảy ra khỏi 5 nước kể trên, tương đương 20% tổng GDP.

Trong năm 2011, tổng dòng chảy vốn ròng ra ngoài là 300 tỷ EUR. “Đã có sự phục hồi quan trọng đối với dòng chảy vốn vào. Nếu bạn nhìn vào dòng vốn chảy ra trong 8 tháng đầu năm ngoái, nó thật sự đáng sợ. Niềm tin rất khó giữ nhưng dễ mất”  - theo Martin van Vliet, kinh tế gia của ING.

Nhu cầu tài sản Eurozone gia tăng  giúp chính phủ các nước Tây Ban Nha và Italia chứng kiến chi phí vay mượn giảm đáng kể trong thời gian gần đây.

Trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng của Eurozone cũng tăng lượng phát hành kể từ đầu năm nay, là một trạng thái hoàn toàn khác biệt với đầu năm 2012, sau khi ECB cung cấp cho các ngân hàng các khoản vay giá rẻ thời hạn 3 năm trị giá hơn 1.000 tỷ EUR.

“Sự gia tăng này không được thúc đẩy bằng dòng tiền tự do vào các ngân hàng trong nước, nhưng bằng sự gia tăng niềm tin vào khu vực Eurozone và sự mua vào của các nhà đầu tư ngoài châu Âu” - theo Carl Norrey, Giám đốc giao dịch lãi suất ở châu Âu của JPMorgan.

“Những giao dịch chúng ta không thể nào tưởng tượng được cách nay 2 tháng lại đang phổ biến, với số lượng cực lớn”.

EUR đạt mức cao nhất kể từ tháng 12-2011 vào ngày 28-1 vừa qua. “Thị trường gấu của đồng EUR dường như đã chết vào hôm thứ sáu tuần trước (25-1)” - Jens Nordvig, Giám đốc Chiến lược tiền tệ toàn cầu của Nomura, viết trong một lưu ý khách hàng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói một số dòng chảy vào tài sản Eurozone có thể là kết quả từ việc các nhà đầu tư bị cuốn theo tâm lý đám đông, chứ không phải từ niềm tin rằng châu Âu đã “mạnh khỏe” hơn.

“Các nhà đầu tư đang chịu sức ép đầu tư vào các nước khủng hoảng. Nếu lý lịch đầu tư của bạn xấu và bạn muốn cải thiện nó, có thể bạn sẽ quyết định đầu tư vào các nước đó để lấy điểm với ECB”  - ông Nigel Sillis, chiến lược gia kiêm Giám đốc quản lý tài sản của Barings, nói.

Ông Draghi hồi tháng 9 công bố đề án giao dịch tiền tệ, theo đó ECB có thể mua trái phiếu của các chính phủ Eurozone có các chương trình cải cách đã đăng ký và được phê duyệt. Thông báo của ông là một bước ngoặt, đặc biệt đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

"Châu Âu một lần nữa đã có thể đầu tư” - theo Alasdair Warren, Giám đốc Thị trường vốn tại châu Âu của Goldman Sachs. 

Các tin khác