EUR đang đối mặt với tương lai ảm đạm

EUR đang đối mặt với "muôn vàn thách thức," giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu ngày càng lan rộng khắp khu vực và đã sang cả Italia, trong khi Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này sẽ phải đưa ra quyết định về gói giải cứu tài chính thứ hai nhằm giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Việc tạo ra một đồng tiền chung châu Âu đã từng là thành công lớn. Khoảng 20-30 năm trước đây, không ai có thể tưởng tượng rằng người Pháp sẽ từ bỏ đồng franc và người Đức từ bỏ đồng mark của họ. Nhưng họ đã làm như vậy. Và điều khiến hầu hết giới quan sát ngạc nhiên là sự thay đổi đó diễn ra một cách tương đối suôn sẻ và EUR nhanh chóng trở thành một trong những đồng tiền mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, khi EUR được giới thiệu vào năm 1999, nhiều nhà kinh tế cho rằng việc tạo ra một đồng tiền chung mà không có các thể chế để phối hợp các chính sách kinh tế và ngân sách là "ngớ ngẩn".

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ vai trò là ngân hàng trung ương của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và các nước thành viên của khu vực này nhất trí tuân thủ các quy định tài chính, như thâm hụt không vượt quá 3% GDP, nợ quốc gia không vượt 60% GDP.

Tuy vậy, các quy định đó không bao giờ được thực thi, do hai nước ủng hộ EUR mạnh mẽ nhất là Pháp và Đức lại chính là những nước đầu tiên phớt lờ chúng.

EUR đã hỗ trợ các nền kinh tế châu Âu yếu hơn tăng trưởng nhanh nhưng nó cũng khuyến khích họ đi vay nhiều hơn, và đây là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn hiện nay của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Italia và Tây Ban Nha. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai, châu Âu phải tự trang bị cho mình những công cụ để quản lý một liên minh tiền tệ.

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet đã kêu gọi có một "ngân sách liên bang" và một Bộ trưởng Tài chính châu Âu. Nhưng do công dân của hầu hết các nước châu Âu ngày càng trở nên đề phòng thói quan liêu tại Brussels, nên hầu như chắc chắn rằng những người đứng đầu các chính phủ sẽ không đưa ra một chính sách như vậy, hoặc nếu có làm họ sẽ tránh dùng từ "liên bang."

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã chỉ ra rằng thực trạng không phải là một phương án lựa chọn vì thế người ta sẽ rất khó dự đoán điều gì có thể xảy ra. Nếu Hy Lạp vỡ nợ, liệu nước này có từ bỏ EUR và quay trở lại đồng tiền drachma? Liệu các nền kinh tế châu Âu yếu hơn có theo gương? Nếu như vậy, uy tín của EUR có thể sẽ bị suy yếu, ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập châu Âu.

EU là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ 20. EU đã thúc đẩy hòa bình và phồn vinh tại một châu lục vốn chao đảo vì chiến tranh trong nhiều thế kỷ.

Việc tăng cường sự đoàn kết và gắn bó của EU là cần thiết, nhưng con đường này đầy những chông gai. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của các nhà lãnh đạo chính trị là thuyết phục các cử tri của họ rằng việc giải quyết những vấn đề kinh tế của họ đòi hỏi một châu Âu hội nhập hơn.

Các tin khác