EU điều tra thương vụ bán tài sản tập đoàn Alstom

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết thỏa thuận này có thể sẽ loại bỏ một trong ba đối thủ cạnh tranh chính của GE trên thị trường tuabin khí công suất cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến các khách hàng trong 28 quốc thành viên của EU.
 

Các nhà giám sát cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/2 đã tiến hành cuộc điều tra về thỏa thuận trị giá 12,4 tỷ euro (14,1 tỷ USD), theo đó công ty điện lực General Electric (GE) của Mỹ dự kiến mua lại toàn bộ mảng năng lượng của tập đoàn công nghiệp Pháp Alstom.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết thỏa thuận này có thể sẽ loại bỏ một trong ba đối thủ cạnh tranh chính của GE trên thị trường tuabin khí công suất cao, có nguy cơ ảnh hưởng đến các khách hàng trong 28 quốc thành viên của EU.

Theo Ủy viên cạnh tranh của EU Margrethe Vestager, thỏa thuận giữa GE và Alstom có thể không chỉ dẫn đến việc giá cả năng lượng tăng cao hơn mà còn làm giảm đi sự lựa chọn của khách hàng cũng như sự đổi mới trong lĩnh vực này.

Bà Vestager nhấn mạnh: "Công nghệ đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt giúp châu Âu thực hiện những cam kết về môi trường. Vì vậy, sẽ là rất cần thiết để duy trì tính cạnh tranh trong thị trường tuabin khí công suất cao."

Năm ngoái, GE đã đánh bại một đối thủ cạnh tranh lớn là Siemens của Đức để đạt thỏa thuận với Alstom, và sau đó chấp nhận hợp tác làm việc với Chính phủ Pháp trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, tuabin hơi nước, các ngành kinh doanh năng lượng hydro và gió ngoài khơi của tập đoàn Alstom.

Theo các quy định của EU, EC có 90 ngày làm việc, hoặc đến ngày 8/7 tới sẽ đưa ra một quyết định cuối cùng về quá trình điều tra trên.

Alstom là tập đoàn hàng đầu của Pháp trong các lĩnh vực năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt. Tháng 6 năm ngoái, Alstom quyết định bán các tài sản năng lượng của mình trong chiến lược tập trung phát triển kinh doanh đường sắt./.

Các tin khác