ESM được “bật đèn xanh”

Tòa án Tối cao của Đức ngày 12-9 đã phán quyết hợp hiến đối với quỹ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), mở đường cho việc nước này đóng góp vào quỹ thường trực trị giá 500 tỷ EUR (644 tỷ USD)  dùng để ứng cứu các nền kinh tế lâm nguy ở eurozone. Động thái này ngay lập tức làm xanh hóa thị trường vì mở ra hy vọng ngăn chặn được sự bành trướng của cuộc khủng hoảng nợ ở lục địa già.

Tòa án Tối cao của Đức ngày 12-9 đã phán quyết hợp hiến đối với quỹ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), mở đường cho việc nước này đóng góp vào quỹ thường trực trị giá 500 tỷ EUR (644 tỷ USD)  dùng để ứng cứu các nền kinh tế lâm nguy ở eurozone. Động thái này ngay lập tức làm xanh hóa thị trường vì mở ra hy vọng ngăn chặn được sự bành trướng của cuộc khủng hoảng nợ ở lục địa già.

Tòa án Hiến pháp liên bang ở Karlsruhe đã bác bỏ những kiến nghị của nhiều nhóm, trong đó có các nhà làm luật bảo thủ và đảng đối lập, đòi ngăn chặn việc Berlin góp tiền cho ESM và một hiệp ước kiểm soát thâm hụt do Thủ tướng Angela Merkel đề xuất. “Việc đóng góp cho quỹ ESM không vi phạm hiến pháp” - Thẩm phán trưởng Andreas Vosskuhle tuyên bố.

Dù vậy, tòa án đưa ra một số điều kiện. Thứ nhất, tòa án phán quyết Đức chỉ có thể góp tối đa 190 tỷ EUR (244 tỷ USD) cho quỹ này. Trong trường hợp muốn tăng vốn góp vượt mức này, phải được quốc hội phê chuẩn và báo cáo đầy đủ cho cả Hạ viện lẫn Thượng viện.

Tòa án cũng phán quyết Đức phải bảo đảm một điều kiện rút lui khỏi quỹ ứng cứu nếu cảm thấy quyền lợi của đất nước không được xem xét. “Cộng hòa Liên bang Đức phải làm rõ là không bị dính chặt với Hiệp ước ESM” - Vosskuhle nói.

Các thẩm phán Đức ngày 12-9 ra phán quyết có lợi cho ESM.

Các thẩm phán Đức ngày 12-9 ra phán quyết có lợi cho ESM.

Phiên tòa diễn ra sau khi các nhà làm luật ở Đức phê chuẩn ESM và hiệp ước kiểm soát thâm hụt nhằm lập lại “trật tự ngân sách” ở châu Âu. Khoảng 37.000 người đã ký vào một đơn kiện gửi lên tòa bởi nhóm chính trị có tên “Mehr Demokratie e.V.”, cho rằng việc góp vốn cho ESM và tuân thủ hiệp ước là vi hiến.

Những nhóm phản đối khác bao gồm những nhà làm luật thuộc các đảng đối lập như Die Linke và Peter Gauweiler. Phiên tòa ở Đức còn khiến nhà đầu tư nín thở, khi ở nước láng giềng Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte - một đồng minh của bà Merkel - cũng đang tái tranh cử. Sự đóng góp của Đức được xem là “sống còn” cho sự hình thành ESM.

Chứng khoán và đồng EUR cùng tăng sau phán quyết của tòa án. EUR tăng 0,3% so với USD tại Berlin, trong khi chỉ số Stoxx Europe 600 Index tăng 0,7% (tính đến 17 giờ tại Việt Nam). Trong những phản ứng đầu tiên theo sau phán quyết, Norbert Barthle, người phát ngôn ngân sách của Đức, nói ông tin rằng đây là “một ngày tốt lành cho người Đức, cho châu Âu và toàn thế giới”.

Quỹ ESM được thành lập để thay đổi quỹ tạm thời là EFSF. Cùng với tin lạc quan từ Đức, các nhà đầu tư cũng hồ hởi hơn khi hãng tin tài chính Bloomberg có trụ sở ở Hoa Kỳ ngày 12-9 đưa tin nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang nước này (FED) sẽ công bố một đợt nới lỏng định lượng mới (QE3).

“FED nhiều khả năng sẽ công bố đợt mua trái phiếu thứ 3 vào ngày mai, theo dự báo của 2/3 nhà kinh tế tham gia thăm dò của Bloomberg, trong khi kéo dài chính sách lãi suất cận zero đến năm 2015” - Bloomberg viết. Theo Bloomberg, đa số các chuyên gia dự báo Chủ tịch FED Ben S. Bernanke và các đồng nghiệp của ông trong Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của FED) sẽ một lần nữa tung ra những biện pháp kích cầu sau khi tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ thấp hơn 2% trong quý II và tỷ lệ thất nghiệp ở trên mức 8% trong 43 tháng liên tiếp. Các nhà kinh tế dự báo trong đợt QE3, FED sẽ mua 300 tỷ USD trái phiếu và 400 tỷ USD nợ thế chấp.

Các tin khác