ECB giữ nguyên lãi suất thấp kỷ lục 0,75%

Quyết định này dựa trên đánh giá sức ép lạm phát có thể vẫn còn trong 17 nước dùng đồng euro và kinh tế Eurozone phục hồi dần vào cuối năm nay.

Quyết định này dựa trên đánh giá sức ép lạm phát có thể vẫn còn trong 17 nước dùng đồng euro và kinh tế Eurozone phục hồi dần vào cuối năm nay.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,75% được duy trì suốt từ tháng 7 năm ngoái, đồng thời xua tan mối quan ngại của Pháp rằng đồng euro lên giá đe dọa sự phục hồi kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Phát biểu sau khi kết thúc cuộc họp thường kỳ hôm 7-2, Chủ tịch ECB Mario Draghi nêu rõ quyết định không điều chỉnh lãi suất là "nhất quán" dựa trên đánh giá rằng sức ép lạm phát có thể vẫn còn trong 17 nước sử dụng đồng euro và kinh tế Eurozone sẽ phục hồi dần dần vào cuối năm nay.

Cùng với nỗ lực kéo lãi suất vay mượn trong Eurozone xuống mức thấp kỷ lục như hiện nay ECB đã bơm hơn 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua chương trình cho vay dài hạn với lãi suất ưu đãi (LTRO) và đưa ra cơ chế đặc biệt mới mang tên giao dịch tiền tệ trực tiếp (OMT) để mua trái phiếu chính phủ của các nước đang ngập trong nợ.

Các biện pháp của ECB đã chứng minh được hiệu quả khi đã hỗ trợ các nước Eurozone vượt qua khó khăn trong cuộc khủng hoảng kéo dài đã 3 năm.

Các ngân hàng trong Eurozone đã hoàn trả trước hạn một số tiền lớn đã vay khẩn cấp từ ECB và điều đó chứng tỏ có sự cải thiện lòng tin của thị trường tài chính. Hơn nữa, sự phục hồi được dự đoán của Eurozone trong nửa cuối năm nay chủ yếu là nhờ lập trường chính sách tiền tệ mở rộng của ECB.
Ông nói: "Tất cả hành động mà ECB triển khai cuối cùng sẽ hỗ trợ nền kinh tế, nhờ đó chúng ta sẽ thấy nền kinh tế phục hồi dần trong nửa cuối năm nay."

Chủ tịch ECB cũng chỉ trích quan ngại của Pháp rằng đồng euro tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi mới manh nha trong Eurozone. Ông lập luận rằng sự tăng giá của đồng tiền chung là tín hiệu cho thấy sự phục hồi của niềm tin trong Eurozone.

Tỷ giá hối đoái không phải là mục tiêu chính sách, nhưng lại có tầm quan trọng đối với tăng trưởng và ổn định giá cả. ECB muốn thấy rằng sự tăng giá của đồng euro có bền vững hay không và sẽ điều chỉnh đánh giá về rủi ro chừng nào sự ổn định giá cả vẫn là mối quan ngại.

Hôm 5-2, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Eurozone có chính sách tỷ giá hối đoái để bảo vệ đồng tiền chung trước "những biến động khác thường." Tuy nhiên, Đức lại tỏ ra thờ ơ trước lời kêu gọi có hành động về tỷ giá.

Các chuyên gia cho rằng ECB sẽ không hạ lãi suất để chống lại tác động bất lợi của việc đồng euro lên giá ít nhất là vào thời điểm này. Bà Marie Diron từ Ernst & Young Eurozone Forecast cho rằng ECB không có ý định can thiệp vào giai đoạn này, mà sẽ chờ xem tác động của việc đồng euro lên giá tới tăng trưởng và lạm phát trước khi cảm thấy cần phải hành động.

Sự tăng giá của đồng euro xảy ra cùng lúc với niềm tin về tương lai của eurozone được cải thiện. Đó là nhân tố tích cực và cho phép các công ty bắt đầu đầu tư và tuyển nhân viên trở lại, tác động bất lợi của tỷ giá mạnh lên sẽ chỉ ở mức vừa phải.

Các tin khác