Dự án tiền điện tử của Facebook là 'ảo tưởng'

(ĐTTCO)-Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Sherrod Brown, thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ nhấn mạnh Facebook thật "ảo tưởng" khi nghĩ rằng mọi người sẽ tin tưởng, trao tiền cho mạng xã hội này.
Ông David Marcus, giám đốc giám sát dự án Libra, đã đại diện Facebook ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ. (Nguồn: Reuters)
Ông David Marcus, giám đốc giám sát dự án Libra, đã đại diện Facebook ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Các nghị sỹ Mỹ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tham gia phiên điều trần về dự án tiền điện tử của Facebook ngày 16/7 cho rằng dự án này là không đáng tin cậy, "ảo tưởng" và "điên rồ."

Các nhà lập pháp Mỹ tuyên bố sẽ ngăn cản mạng xã hội lớn nhất thế giới tung ra tiền điện tử.

Facebook đang đấu tranh để có được sự ủng hộ của Chính quyền Mỹ sau khi gây sốc cho các nhà quản lý và các nhà lập pháp với thông báo vào ngày 18/6 rằng họ hy vọng sẽ ra mắt một loại tiền điện tử có tên Libra vào năm 2020.

Kể từ đó, công ty truyền thông xã hội đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhà hoạch định chính sách, cơ quan giám sát tài chính trong và ngoài nước, với lo ngại việc áp dụng rộng rãi tiền kỹ thuật số của Facebook với 2,38 tỷ người dùng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính.

"Hết bê bối này đến bê bối khác, Facebook đã cho thấy rằng họ không xứng đáng với niềm tin của chúng ta," Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Sherrod Brown, thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, cho biết trong bài phát biểu khai mạc phiên điều trần. "Thật điên rồ nếu chúng ta trao cho họ cơ hội thử nghiệm với những người có tài khoản ngân hàng."

Ông Brown cũng nhấn mạnh, Facebook thật "ảo tưởng" khi nghĩ rằng mọi người sẽ tin tưởng, trao cho mạng xã hội này số tiền mà họ "khó khăn lắm mới kiếm được."

Trước khi công bố kế hoạch Libra của mình, Facebook đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội về việc xử lý sai dữ liệu người dùng và không làm đủ để ngăn chặn cái gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông David Marcus, giám đốc giám sát dự án Libra, đã đại diện Facebook ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ về các vấn đề từ cách tiền điện tử Libra có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ toàn cầu đến cách xử lý dữ liệu của khách hàng.

Ông đã nhận được sự chào đón lạnh nhạt từ các nhà lập pháp Dân chủ và một số nghị sỹ đảng Cộng hòa.

Ông Marcus, người từng là chủ tịch của PayPal từ năm 2012 đến 2014, đã cố gắng xoa dịu những lo ngại bằng cách cam kết rằng Facebook sẽ không phát hành Libra cho đến khi các vấn đề pháp lý được giải quyết. "Chúng tôi biết rằng chúng tôi cần dành thời gian để có được quyền này," ông Marcus nói trong phiên điều trần.

Các nhà lập pháp đã chất vấn ông Marcus về một loạt các mối quan tâm, bao gồm về cách Facebook lên kế hoạch ngăn chặn rửa tiền, cách thức bảo vệ dữ liệu và tiền của người tiêu dùng và cách thức hoạt động của hiệp hội có trụ sở tại Geneva để điều hành hệ thống.

"Tôi biết rằng chúng tôi phải mất một quãng thời gian rất dài để nhận được sự tin tưởng của mọi người," ông Marcus nói khi được hỏi liệu người tiêu dùng có thể tin tưởng Facebook hay không khi chia sẻ thông tin thanh toán của họ.

Hãng khổng lồ truyền thông xã hội đã cam kết rằng công ty con thanh toán của mình có tên Calibra sẽ chỉ chia sẻ dữ liệu khách hàng với Facebook và các bên thứ ba bên ngoài nếu có sự đồng ý, hoặc trong các trường hợp hạn chế và cần thiết.

Sau phiên điều trần trên với Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ, dự kiến trong ngày 17/7, ông Marcus sẽ tiếp tục tham dự một phiên điều trần khác của Hạ viện Mỹ.

Các tin khác