Đọc báo để làm gì?

(ĐTTCO) - Chính điều này sẽ khiến các em ham đọc và có cơ hội thành đạt cao hơn nhờ có kỹ năng ngôn ngữ. 
Đó là kết  luận từ một công trình nghiên cứu khá công phu và nhiều năm của Hiệp hội Báo chí Hoa Kỳ (NAA). Thật vậy, khác với việc tiếp thu kiến thức từ sách giáo khoa hay tài liệu học tập mang tính hàn lâm, thông tin báo chí bao giờ cũng cập nhật và sát với thực tế cuộc sống và thời cuộc.
Ngoài ra, đọc cũng là một kỹ năng mang tính sống còn đối với những ai muốn tồn tại và thăng tiến trên đường sự nghiệp. Theo nhà giáo dục nổi tiếng người Hoa Kỳ Roland Barth, nếu cách đây 50 năm, học sinh sinh viên có thể sử dụng 75% kiến thức và kỹ năng lĩnh hội được từ môi trường học tập chính  quy cho con đường sự nghiệp, nay tỷ lệ đó sau khi tốt nghiệp chỉ 2%. Nói cách khác, các ông khoa bà cử ngày nay không thể tự mãn ôm mảnh bằng cao đẳng hay đại học của mình mà phải liên tục trau dồi để bù đắp cho 98% còn khiếm khuyết đó.
Đọc sẽ là một trong những giải pháp cho thách thức nói trên, nhưng đọc gì sẽ là một thách thức khác bởi thông tin và kiến thức trên internet và nhất là các mạng xã hội giờ đây đã điều chỉnh hành vi đọc của nhiều người, nhất là của trẻ em vị thành niên. Do hiệu ứng đám đông, người sử dụng các mạng xã hội như Facebook bị cuốn vào các trang thông tin có nhiều người truy cập hoặc đọc cái lời đăng (post) của người khác. Theo nhiều nhà phân tích, điều này không làm người đọc thông minh hơn bởi việc “tiêu thụ” này mang tính thụ động và cái gọi là “thông tin” hay “kiến thức” phải lệ thuộc vào nội dung của người khác đăng lên.
Đọc báo để làm gì? ảnh 1 Phụ huynh cần khuyến khích các em có thói quen đọc sách báo từ nhỏ. 
Ngẫm ra cái vất vả khó khăn ngày xưa của thế hệ cuối 6X của tôi cũng có những cái hay bởi học sinh sinh viên hồi đó không bị phân tâm và tràn ngập thông tin tràn lan như bây giờ. Tôi còn nhớ những năm cuối đại học hay vào thư viện của Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) được cầm trên tay những tờ báo hay tạp chí tiếng Pháp như Le Monde, Le Figaro, L’Equippe, Paris Match.
Chàng sinh viên nghèo khi đó chưa biết tương lai sẽ như thế nào sau khi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân tiếng Pháp trong tay. Nhưng niềm say mê với sách báo và chữ nghĩa đã giúp anh tìm tòi những chân trời mới của nước Pháp, châu Âu và thế giới mới, trang bị cho mình những kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp không có trong nhà trường. Nhờ vậy, anh đã  nhanh chóng thích ứng với cuộc sống nghề nghiệp khi may mắn tìm được việc trong ngành ngân hàng trong bối cảnh đất nước mở cửa làm ăn với nước ngoài.
Một thực tế trớ trêu trong thời buổi xa lộ thông tin đã rộng khắp trên toàn cầu hiện nay là dường như như người ta ít đọc hơn so với trước đây. Tại Singapore, theo một cuộc nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách DQ và Đại học Công nghệ Nanyang, trẻ em dành quá nhiều thời gian trên điện thoại thông minh và máy tính bảng. Rất nhiều em trước độ tuổi 12 đã hình thành thói quen mỗi ngày không dưới 6 giờ xem phim, nghe nhạc và  chơi games trên màn hình máy tính, tức là hàng tuần thì mất hai ngày sử dụng các thiết bị thông minh này.
Lẽ đương nhiên là mỗi thời mỗi khác và không nên cấm đoán trẻ em giải trí nhưng không thể không lưu ý về những nội dung không phù hợp cho lứa tuổi các em hay nguy cơ các em có thể phát triển những hành vi rối loạn nhân cách và chống đối xã hội.
Theo ông David Chiem, nhà sáng lập và Chủ tịch của MindChamps, hệ thống trường mẫu giáo lớn nhất Singapore, tác giả của quyển sách bán chạy có tựa để “The 3-Mind Revolation” (đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Dạy con tư duy”), khi sử dụng các thiết bị thông minh, trẻ em được tiếp cận  với một thế giới tương tác tràn ngập âm thanh và động tác mà các em có thể kiểm soát được. Các em có thể sờ, vuốt và thay đổi nội dung bất cứ lúc nào mình muốn. Hãy thử hình dung các em này đang ở trong một môi trường việc học chỉ được truyền đạt bởi thầy cô giáo.
Chắc hẳn các em sẽ cảm thấy bị phân tâm và nhàm chán khi không còn trong những điều kiện đầy sôi nổi và phấn khích như đã từng trải qua trong thế giới ảo. Nhận thức được vấn đề đó, có lẽ các bậc phụ huynh sẽ phải học cách quản lý thiết bị thông minh, giúp các em có thói quen đọc sách báo từ nhỏ và rồi các thiết bị thông minh sẽ là cánh cửa cho sách điện tử (ebook), các tài liệu thông tin bổ ích chứ không thể chỉ là chơi games. Cũng theo ông David Chiem, khi trẻ em bước ra khỏi cổng trường để đi vào thế giới thực, các bậc làm cha mẹ đều mong các em có tư chất đặc biệt và khả năng sáng tạo. Nhưng làm thế nào để được như thế nếu có chuẩn bị cho các em những hành trang cần thiết?
Nói về sáng tạo, một số người dùng câu chuyện Steve Job đã bỏ học giữa chừng và thành công trong việc sáng lập máy tính Apple, nhưng lại quên rằng anh không phải làm việc đó vì chán học để quay sang chơi games hay xem phim cả ngày. Steve Jobs chỉ đơn thuần không học những gì anh không thích để đi làm kiếm tiền đóng học phí cho khóa học mà anh yêu thích là thư pháp (calligraphy), một kỹ năng mà anh đã khai thác để tạo ra máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới có tính năng đồ họa cao. Như vậy, câu chuyện thành công của Steve Jobs là thí dụ sinh động cho triết lý giản đơn rằng bạn phải có kiến thức căn bản mới nghĩ đến sáng tạo.
Nói cho công bằng, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay vất vả hơn thế hệ cha anh rất nhiều vì cuộc sống không chỉ đơn thuần là “biết” bởi thông tin đã đầy rẫy trên mạng, nhiều câu hỏi hay vấn đề đã được “bác” Google trả lời. Để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng hay khách hàng, bạn cần phải nói với họ làm thế nào để sử dụng những dữ kiện và số liệu để phát triển kinh doanh hay vượt qua đối thủ cạnh tranh. Hành trình đến kiến thức, trí khôn và sáng tạo không có đường tắt và đất nước hay quốc gia nào có tỷ lệ người dân đọc sách báo nhiều hơn, sâu hơn, đa chiều hơn, phản biện hơn sẽ vươn đến những tầm vóc và đỉnh cao mới của nhân loại.    

Các tin khác