Nhân vật trong tuần

David Cameron - Cuộc thử lửa

Những ngày này, Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh) đang bị thử lửa trong các cuộc bạo loạn lan rộng. Ông đã xác định một thái độ cứng rắn khôi phục trật tự bằng mọi biện pháp cần thiết.

Những ngày này, Thủ tướng Anh David Cameron (Ảnh) đang bị thử lửa trong các cuộc bạo loạn lan rộng. Ông đã xác định một thái độ cứng rắn khôi phục trật tự bằng mọi biện pháp cần thiết.

Ngày 9-8, Thủ tướng Cameron tự đặt thời hạn chấm dứt bạo loạn và mang yên bình trở lại trong vòng 48 giờ. Ông đã tăng gấp ba lần số lượng cảnh sát ở London lên 16.000 người và hứa sẽ cập nhật tình hình cho Quốc hội. Sự xuất hiện dày đặc của cảnh sát chống bạo động đã khiến thủ đô London sặc mùi quân sự, phố xá vắng vẻ, các cửa hiệu đóng cửa sớm, người dân tự nhốt mình trong những ngôi nhà đóng then cài cửa cẩn mật.

Thủ đô London tạm yên nhưng tin xấu là các cuộc bạo loạn, cướp bóc, đốt phá và bạo lực đã chuyển dịch tới những thành phố lớn nhất của Vương quốc Anh: Birmingham, Manchester, Liverpool và nhiều nơi khác. Và một lần nữa, cảnh sát không thể chặn trước những kẻ nổi loạn.

Tại cuộc họp Ủy ban Dân sự khẩn cấp (COBRA), Thủ tướng Cameron thông báo đã trang bị đạn nhựa cho cảnh sát và cho phép sử dụng vòi rồng. Triển khai các vũ khí này sẽ không thể tránh khỏi bị liên tưởng tới thời kỳ đỉnh cao xung đột sắc tộc ở Bắc Ireland từ những năm 70 đến những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là một nguy cơ Cameron đã sẵn sàng chấp nhận.

Thủ tướng Anh David Cameron đang đối phó cuộc thử lửa đầy nguy hiểm.

Thủ tướng Anh David Cameron đang đối phó cuộc thử lửa đầy nguy hiểm.

Cùng lúc với các hành động cứng rắn, Thủ tướng Cameron đã có những tuyên bố hùng hồn rằng tòa án sẽ bỏ tù bất cứ ai gây rối và nhấn mạnh không thể để “quyền con người giả tạo” xen vào công việc, xác định và đưa những kẻ dính dấp đến bạo lực ra trước công lý. Nhiều người dân Anh đã bị sốc khi CCTV phát đoạn phim một nhóm thanh niên xúm vào giúp người bị thương nặng nhưng kỳ thực đang chôm chỉa đồ đạc của nạn nhân.

Và qua những hình ảnh trên, Thủ tướng Cameron lặp lại một chủ đề chính trị mà có vẻ như trước đây ông đã bỏ qua do từng bị chỉ trích, ông nói: “Túi tiền của xã hội chúng ta không chỉ bị lủng lỗ mà còn thực sự bệnh hoạn”. Sự giận dữ của ông lần này đã nhận được nhiều đồng cảm từ các phe phái chính trị cũng như người dân.

Trong bài phát biểu vào tháng 7-2006, ông Cameron tuyên bố cần dùng tình cảm để cảm hóa những thanh niên có thái độ chống đối xã hội. Nhưng nay, ông đã quyết định dùng “nắm đấm sắt” để trấn áp những kẻ gây bạo loạn, cho thấy thái độ cương quyết của vị Thủ tướng: Không vì sợ bị chê trách “tiền hậu bất nhất” mà nhân nhượng cho những hành vi gây tổn hại đến đời sống bình yên của đất nước.

Dù tình hình an ninh trật tự nóng bỏng nhưng ông Cameron cho biết vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch cắt giảm 20% lực lượng cảnh sát Anh như một trong những biện pháp tiết kiệm ngân sách nhằm tránh cho nước Anh khỏi rơi vào vòng xoáy nợ công.

Điều này gây thêm rạn nứt giữa Cameron và Thị trưởng London Boris Johnson (thuộc Đảng Bảo thủ) - người sẽ đối mặt với cuộc bầu cử lại vào năm tới và được cho là đang nuôi dưỡng tham vọng tiếp nối Cameron làm lãnh đạo đảng. Ngay trước khi Thủ tướng Cameron công bố quyết định của mình, Johnson phàn nàn rằng đây không phải lúc thực hiện cắt giảm như vậy.

Thủ tướng Cameron phản ứng: "Các Thị trưởng luôn muốn có nhiều tiền hơn". Đồng thời ông nhấn mạnh để đi tới kế hoạch này, ông đã tham khảo các cảnh sát trưởng và được biết họ đã có đầy đủ mọi nguồn lực cần thiết. Như vậy, có thể thấy ông Cameron nhận định các cuộc bạo loạn tại Anh hiện nay chỉ là sự bột phát, là mối nguy tức thời, còn “kẻ thù” thâm hiểm trong dài hạn cần phải tiêu diệt chính là mối nguy nợ công.

Các tin khác