Dầu thô "lảo đảo" phiên thứ 3 liên tiếp

Động thái bất ngờ của Hy Lạp về việc tiến hành trưng cầu ý dân xung quanh gói cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU), đã khiến thị trường dầu thô quốc tế lảo đảo trong phiên giao dịch rạng sáng nay 2-11 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, đà giảm đã chững lại vào cuối ngày.

Động thái bất ngờ của Hy Lạp về việc tiến hành trưng cầu ý dân xung quanh gói cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU), đã khiến thị trường dầu thô quốc tế lảo đảo trong phiên giao dịch rạng sáng nay 2-11 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, đà giảm đã chững lại vào cuối ngày.

Giá dầu thô đã giảm liên tục 3 phiên kể từ cuối tuần trước tới giờ. 
 Giá dầu thô đã giảm liên tục 3 phiên kể từ cuối tuần trước tới giờ.

Kết thúc phiên, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12 trên sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 1 USD, tương ứng 1,1%, xuống mức 92,19 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu loại này dao động mạnh trong khoảng từ 89,17 USD đến 92,88 USD/thùng.

Theo chuyên gia Bill O'Neil của hãng tư vấn Logic có trụ sở tại New Jersey (Hoa Kỳ), việc Công ty MF Global đệ đơn xin phá sản do thua lỗ (một phần là bởi đầu tư vào trái phiếu chính phủ ở châu Âu) đã khiến nhà đầu tư dầu bất an, một số lượng lớn tiền đầu tư vào thị trường này đã bị rút ra.

Dư âm của vụ MF Global chưa qua, thì thị trường lại một phen rúng động sau khi Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tuyên bố nước này sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về kế hoạch cứu trợ mới của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trước khi quyết định có nhận cứu trợ hay không.

Tuyên bố của ông Papandreou đã khiến nhà đầu tư lo ngại rằng nguy cơ vỡ nợ công châu Âu sẽ lại tái diễn, bởi lẽ trong bối cảnh khó khăn vì thắt lưng buộc bụng như hiện nay, khả năng người dân Hy Lạp sẽ bỏ phiếu "Không" đối với gói cứu trợ mới, từ đó đẩy nước này vào tình trạng vỡ nợ.

Nếu trường hợp Hy Lạp vỡ nợ xảy ra, thì không chỉ riêng nền kinh tế này mà cả các quốc gia khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu và  EU cũng sẽ bị ảnh hưởng, mà trước hết là hệ thống tài chính ngân hàng, những nơi đang nắm giữ trái phiếu chính phủ của Hy Lạp.

Ngoài yếu tố Hy Lạp, hôm qua, thị trường dầu thô quốc tế còn chịu tác động mạnh bởi sự lao dốc của chứng khoán, USD tăng giá và những số liệu kinh tế vĩ mô yếu kém từ châu Á. Những điều này tới dồn dập như những cơn bão khiến nhà đầu tư bồn chồn không yên.

Theo công bố, chỉ số sàn xuất chính thức của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm xuống 50,4 điểm, từ mức 51,2 điểm trong tháng liền trước. Kết quả này thấp hơn mức dự báo 51,7 điểm của giới phân tích và đứng thấp nhất nhất kể từ tháng 2-2009 tới nay.

Tăng trưởng ở khu vực sản xuất của Mỹ cũng chậm lại. Chỉ số sản xuất tháng 10 của Hoa Kỳ theo tính toán của Viện Quản lý nguồn cung đã giảm xuống 50,8 điểm, từ mức 51,6 điểm. Trước đó, các nhà kinh tế trong cuộc điều tra dư luận của trang MarketWatch đã đưa ra con số dự báo là 52,1 điểm.

Hôm qua, chỉ số USD so với rổ 6 loại tiền tệ khác, đã tăng lên mức 77,454 điểm, từ mức 76,243 điểm trong phiên liền trước. Việc USD tăng giá luôn được coi là yếu tố bất lợi cho giá cả các loại hàng hóa tính bằng loại tiền tệ này.

Cùng với thị trường dầu, giá dầu sưởi giao tháng 12 giảm 2 cent, tương ứng 0,7%, xuống còn 3,04 USD/gallon. Tương tự, giá xăng loại hợp đồng cùng kỳ hạn giảm 2 cent, tương ứng 0,7%, xuống còn 2,62 USD/gallon. Một gallon tương đương với khoảng 3,78 lít.

Hiện, giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo chính thức về lượng dự trữ dầu tuần qua. Theo ước tính của Viện Dầu khí Hoa Kỳ, trong tuần kết thúc ngày 28/10, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 156.000 thùng, dự trữ xăng giảm 1,1 triệu thùng và các chế phẩm khác từ dầu giảm 3,4 triệu thùng.

Các tin khác