Đàm phán phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên thêm trở ngại

(ĐTTCO) - Ngày 11-12, Bình Nhưỡng phản ứng giận dữ sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt 3 quan chức Triều Tiên với cáo buộc vi phạm nhân quyền và ngược đãi công dân Mỹ Otto Warmbier, người qua đời sau khi trở về Mỹ từ Triều Tiên hồi tháng 6-2017. 
Lệnh trừng phạt mới nhất một lần nữa gây trở ngại tiến trình phi hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang 
bế tắc.
Mỹ gây sức ép 
Theo tờ Diplomat, 3 quan chức bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt gồm Choe Ryong Hae, cố vấn hàng đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là người đứng đầu Ban Chỉ đạo và Tổ chức của đảng Lao động Triều Tiên; Bộ trưởng An ninh quốc gia Jong Kyong Thaek và Trưởng ban Tuyên truyền Pak Kwang Ho. Các lệnh trừng phạt sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào của các quan chức trên mà thuộc thẩm quyền của Mỹ cũng như cấm những người này thực hiện giao dịch với bất kỳ ai ở Mỹ.
Phản ứng trước động thái trên, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đăng một bài xã luận nói rằng việc Mỹ đưa Bình Nhưỡng vào “danh sách đen” gồm các nước buôn người tồi tệ nhất là “sự khiêu khích chính trị quá quắt” và một “hành động thù địch”, đi ngược lại tinh thần của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Một trong các trang mạng tuyên truyền của Triều Tiên là Meari cũng đưa ra chỉ trích tương tự.
Lệnh trừng phạt mới nhất được đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang bế tắc. Triều Tiên muốn Mỹ nới lỏng trừng phạt để đổi lại các bước phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên đã thực hiện, nhưng Mỹ nhấn mạnh rằng trừng phạt chỉ được dỡ bỏ khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Đàm phán phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên thêm trở ngại ảnh 1 3 quan chức Triều Tiên vừa bị Mỹ trừng phạt từ trái qua: 
Choe Ryong-hae, Jong Kyong-thaek và Pak Kwang-ho. 
Hồi cuối tháng 11 vừa qua, tờ Rodong Sinmun đã chỉ trích Mỹ cố tình gây sức ép với Triều Tiên trong vấn đề quyền con người và lấy đây là chiến thuật buộc Bình Nhưỡng có nhượng bộ trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Bài báo cho rằng kể cả giải quyết được vấn đề hạt nhân, vốn được coi là một rào cản trong quan hệ song phương, thì Mỹ sẽ vẫn tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên thông qua những vấn đề khác nhằm đưa ra thêm điều kiện buộc Bình Nhưỡng phải thực hiện.
Hàn Quốc nỗ lực cải thiện
Trong quan hệ liên Triều, ngày 11-12, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ tăng cường thảo luận với Triều Tiên nhằm xúc tiến thỏa thuận tổ chức một lễ động thổ trước thời điểm kết thúc năm 2018 về việc hiện đại hóa các tuyến đường sắt của Triều Tiên và kết nối với Hàn Quốc.
Trước đó cùng ngày, nội các Hàn Quốc thông qua một đề xuất bắt buộc chính phủ phải có đánh giá trước khi quyết định hạn chế hoặc chấm dứt bất kỳ dự án hợp tác hiện hành nào với Triều Tiên. Quy định sửa đổi liên quan tới 4 tình huống được phép áp đặt các hạn chế, bao gồm khi Triều Tiên tiến hành khiêu khích quân sự và đe dọa an ninh Hàn Quốc.
Đề xuất trên nhằm sửa đổi Luật Hợp tác và trao đổi liên Triều, sau khi xuất hiện những chỉ trích về việc chính phủ không có cơ sở pháp lý khi đưa ra các quyết định hạn chế hoặc cấm các trao đổi liên Triều, như đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong ở biên giới 2 miền. Bộ Thống nhất Hàn Quốc hy vọng việc sửa đổi luật trên sẽ cải thiện sự ổn định và tính dự báo trong các trao đổi và hợp tác liên Triều. Tuy nhiên, một cuộc thảo luận sâu rộng về hợp tác kinh tế có lẽ phải chờ đến khi đạt một tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.

Các tin khác