Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc: Khởi đầu lịch sử mới

(ĐTTCO) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 19) đã đánh dấu một điểm khởi đầu lịch sử mới, được dự đoán sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng đối với không chỉ Trung Quốc mà cả thế giới trong những thập niên tới. 
Đây là nhận định của ông Robert Lawrence Kuhn, Chủ tịch Quỹ Tài trợ Kuhn và cũng là chuyên gia Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về Trung Quốc.
Thời điểm giao thoa
Theo Tân hoa xã, bình luận về Báo cáo chính trị được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày tại phiên khai mạc đại hội, ông Kuhn cho biết điều khiến ông ấn tượng là quy mô toàn diện của bản báo cáo, trong đó không chỉ xây dựng các chính sách phát triển đất nước cho 5 năm tới, mà còn định hình khung chương trình nghị sự cũng như vạch ra chiến lược cho lộ trình 30 năm tới.
Trong khi tuyên bố chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đang bước vào một thời đại mới, ông Tập Cận Bình đã định hình một Trung Quốc về cơ bản hiện thực hóa hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa muộn nhất vào năm 2035, và sau đó đến năm 2050 sẽ đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa với tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới. 
Theo ông Kuhn, điều này lý giải tại sao Đại hội 19 mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn 5 năm, vốn được xem là thời điểm giao thoa của 2 mục tiêu thế kỷ. Chuyên gia Kuhn, cũng là tác giả của cuốn sách ăn khách “Cách các nhà lãnh đạo Trung Quốc tư duy”, nhấn mạnh những nội dung được nêu trong bản báo cáo cho thấy công tác quản trị chặt chẽ và nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua việc cải tổ và làm trong sạch bộ máy, khi chiến dịch chống tham nhũng không những tiếp tục được thực hiện, còn được tăng cường và đẩy mạnh hơn.
Về vấn đề kinh tế được nêu trong báo cáo, ông Kuhn nhận thấy vai trò ngày càng lớn của sự sáng tạo và đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong khi đó, nội dung liên quan đến việc cải cách và hiện đại hóa quân đội cụ thể và rõ ràng. 
Theo ông Kuhn, ông Tập Cận Bình đã đưa ra đánh giá thực tế về các vấn đề, gồm tình trạng bất bình đẳng xã hội, cấu trúc kinh tế, tình trạng ô nhiễm, trong khi vẫn nêu bật những thành tựu nổi bật Trung Quốc đạt được, những điều chưa đạt được, và những điều đất nước cần thực hiện để trở thành một cường quốc.
Chuyên gia này khẳng định với bản báo cáo chính trị nói riêng và Đại hội 19 nói chung, ông Tập Cận Bình cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhìn thấy một đất nước Trung Quốc đang đứng trước một điểm khởi đầu mới mang tính lịch sử và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đang bước vào một thời đại mới. 
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc: Khởi đầu lịch sử mới ảnh 1
Nắm bắt thời cơ
Ông Jean-Philippe Beja, chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế, nhận xét ông Tập Cận Bình đã khéo chớp thời cơ thuận lợi để thúc đẩy các tham vọng của mình. Trung Quốc đã thừa hưởng được một bối cảnh quốc tế hết sức thuận lợi. Việc ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ với hệ quả Hoa Kỳ lùi bước trên sân khấu quốc tế, hay nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU-Brexit), đã làm suy yếu các nước phương Tây.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã loại bỏ chủ trương của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, theo đó Trung Quốc phải nép mình chờ đến lúc đủ mạnh mới can thiệp vào chính trường thế giới. Đối với ông Tập Cận Bình, hiện nay Trung Quốc đã đủ mạnh. Điều này được thấy rõ qua những tuyên bố mạnh miệng trong tranh chấp chủ quyền với nhiều nước, hay kế hoạch đình đám xây dựng những con đường tơ lụa mới, dù chưa rõ ràng lắm, nhưng cũng là phương cách để Trung Quốc cho thấy sự hiện diện của họ trên trường quốc tế. Người ta cũng thấy Trung Quốc đầu tư khắp nơi, kể cả vào châu Âu, nhất là tại Hy Lạp, nơi họ đã mua cảng Piraeus.
Trung Quốc ngày càng có cung cách hành xử như một siêu cường và vào lúc siêu cường Hoa Kỳ rút ra khỏi các định chế quốc tế, Bắc Kinh đã thể hiện một số lập trường rất được các lãnh đạo phương Tây ưa thích. Thí dụ họ đã tái khẳng định quan điểm thiết tha với Hiệp định Khí hậu Paris, trong lúc ông Tập Cận Bình cho thấy ông là người nhiệt tình ủng hộ toàn cầu hóa. Tuy nhiên, con đường để Trung Quốc trở thành siêu cường thực sự có thể sẽ gặp phải nhiều thách thức, trong đó có vấn đề kinh tế. 
Tổng Cục thống kê Trung Quốc thông báo tăng trưởng nước này đã đạt 6,8% trong quý III-2017. Nền kinh tế thứ 2 trên thế giới trong giai đoạn tăng trưởng được đánh giá là ổn định. Bắc Kinh đề ra mục tiêu GDP tăng 6,5% trong năm nay.
Theo phân tích của Cơ quan tư vấn Capital Economics, trụ sở tại London, Anh, đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc vững vàng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,6% trong tháng 9-2017, khá hơn so với dự báo. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại không lạc quan khi cho rằng tăng trưởng Trung Quốc có được do chính quyền trung ương bơm thêm tín dụng trong 6 tháng đầu năm, tăng chi tiêu công cộng và cho mở nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu tư cho các dự án xây dựng tăng 7,5% trong 9 tháng.
IMF cũng cảnh báo bản báo cáo đang che giấu một sự thật đáng lo ngại là nợ trên toàn quốc của Trung Quốc tăng mạnh. Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý trong diễn văn khai mạc Đại hội 19, khác với thông lệ, ông Tập Cận Bình không nêu lên mục tiêu tăng trưởng cụ thể mà chỉ nói đến những nỗ lực để chuyển đổi mô hình kinh tế Trung Quốc, chú trọng vào chất lượng, khuyến khích những phát minh và kêu gọi giảm thiểu rủi ro tài chính.
(Tổng hợp)

Các tin khác