Cyprus sắp theo chân Hy Lạp?

Sau khi Tây Ban Nha trở thành nước thứ tư ở khu vực đồng EUR (eurozone) phải ngửa tay nhận tiền ứng cứu vì cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực, giới lãnh đạo Cyprus lại khiến người ta lo lắng khi lên tiếng xác nhận họ có thể cần ứng cứu vào cuối tháng này, cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Sau khi Tây Ban Nha trở thành nước thứ tư ở khu vực đồng EUR (eurozone) phải ngửa tay nhận tiền ứng cứu vì cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực, giới lãnh đạo Cyprus lại khiến người ta lo lắng khi lên tiếng xác nhận họ có thể cần ứng cứu vào cuối tháng này, cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

“Vấn đề này rất cấp bách” - Bộ trưởng Tài chính Cyprus Vassos Shiarly nói. “Chúng tôi biết việc tái điều chỉnh vốn cho hệ thống ngân hàng phải hoàn tất trước ngày 30-6”. Tuy nhiên, cho đến nay nước này vẫn chưa nộp hồ sơ xin ứng cứu lên Liên minh châu Âu (EU).

Theo nguồn tin của báo New York Times, có thể Cyprus chần chừ vì muốn tìm đến nguồn ứng cứu khác ngoài EU, có thể là Nga, do quan ngại những điều kiện khắc khổ đi kèm khi ngửa tay vay tiền của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Năm ngoái, Cyprus từng đạt được khoản vay 2,5 tỷ EUR từ Nga để giúp tái cơ cấu nợ và giảm bớt thâm hụt trong năm 2012. Một số nguồn tin cũng cho rằng Cyprus có liên hệ với Trung Quốc.

Theo sau gói ứng cứu 125 tỷ USD dành cho hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha, Cyprus có thể trở thành nước thứ 5 ở eurozone cần ứng cứu.

Theo sau gói ứng cứu 125 tỷ USD dành cho hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha,
Cyprus có thể trở thành nước thứ 5 ở eurozone cần ứng cứu.

Theo giới quan sát, Cyprus đang đứng trước sức ép phải tái cấp vốn cho ngân hàng lớn thứ 2 đất nước, Cyprus Popular Bank, trước ngày 30-6, 1 ngày trước khi nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU trong vòng 6 tháng. Ước tính Cyprus cần ít nhất 2,2 tỷ USD (tương đương 10% GDP) để ứng cứu cho Popular.

Trong trường hợp Hy Lạp rời bỏ đồng EUR, Cyprus còn cần nhiều tiền hơn vì 2 ngân hàng lớn nhất nước này đã đầu tư nặng vào trái phiếu Hy Lạp. Đại gia đánh giá tín dụng toàn cầu Moody's hôm 12-6 vừa hạ tín nhiệm của 2 ngân hàng Cyprus vì nặng nợ Hy Lạp.

Bank of Cyprus bị hạ một bậc xuống B2 từ B1, trong khi Hellenic Bank bị hạ từ Ba3 xuống B1. Trong khi đó, ngân hàng Cyprus Popular Bank, hiện ở mức tín nhiệm B3 (thấp hơn 2 ngân hàng kể trên) bị Moody’s đặt vào diện theo dõi hạ bậc.

Cyprus Popular Bank có 42% các khoản cho vay ròng liên quan đến Hy Lạp, Bank of Cyprus có 34% và Hellenic Bank 17%.

Người ta cũng lo rằng theo sau Cyprus là Italia trong bối cảnh Rome đang bị đe dọa khi chi phí vay mượn đã tăng chạm kỷ lục. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Italia đã tăng trở lại trên hơn 6% và đang hướng đến mức từng kích hoạt các cuộc ứng cứu ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Các con số chính thức cho biết nền kinh tế Italia co rút 0,8% trong quý I, mức giảm nhanh nhất trong vòng 3 năm qua. Kể từ khi ông Monti lên làm Thủ tướng Italia, kinh tế nước này tăng trưởng ngày một yếu, dự báo sẽ giảm 1,5% trong năm nay, trong khi chỉ tăng 0,5% vào năm tới.

Các ngân hàng Italia hiện đã cắt giảm mạnh tay hoạt động cho vay, đẩy hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa đến bờ vực phá sản, Tỷ lệ thất nghiệp tại Italia hiện cao hơn 10%, bỏ xa tỷ lệ 5,4% ở Đức, theo số liệu của Eurostat, Cục Thống kê EU. Nợ công của nước này đang ở mức 120% GDP.

125 tỷ USD ứng cứu hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha mới đây hầu như không phát huy tác dụng, khi các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo lắng. Các nhà chỉ trích cho rằng việc ứng cứu chỉ làm lợi cho ngân hàng và các nhà đầu tư ngân hàng, trong khi không mang lại lợi ích gì cho người dân và nền kinh tế.

Lợi suất trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha chạm 6,5% trong bối cảnh giới đầu tư hồ nghi về tác dụng của gói ứng cứu dành cho ngân hàng mà không có kế hoạch để kích thích tăng trưởng kinh tế. “Giới lãnh đạo châu Âu tuyên truyền việc ứng cứu như một thắng lợi lớn nhưng nếu nhìn vào chi tiết, đây là một cuộc cho vay. Và chúng ta vẫn chưa biết họ sẽ lấy tiền từ đâu ra” - theo Steen Jakobsen, Kinh tế trưởng của Saxo Bank ở Copenhagen.

Trong khi đó, cuộc bầu cử lại ở Hy Lạp vào chủ nhật tới (ngày 17-6) có thể nhấn chìm eurozone vào sâu hơn trong cuộc khủng hoảng nếu các cử tri ủng hộ các đảng phái cực tả, những đảng phái phản đối khắc khổ - đẩy Athens gần hơn đến việc tháo chạy khỏi đồng EUR.

Các tin khác