Cuộc chiến Mỹ - Trung chưa thấy hồi kết

(ĐTTCO) - Sẽ thật khó hiểu nếu một ai đó mong muốn giá trị tài sản của mình đang nắm giữ bị vơi đi, nhưng thao túng tiền tệ trong câu chuyện của Trung Quốc lại có dáng dấp kiểu như vậy. Nhưng thực ra cái đích nhắm đến là lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, bởi lẽ giá hàng hóa xuất khẩu luôn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái. 
Trung Quốc từng dính nghi vấn thao túng tiền tệ 
Là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, Trung Quốc giờ đây đã hội nhập sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, thuộc top 10 về xuất khẩu hàng hóa đến hơn 100 quốc gia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng nếu một cú sốc xảy ra làm cầu hàng hóa của Trung Quốc giảm đi 1 điểm phần trăm, thì khả năng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ bị giảm theo là 0,25 điểm phần trăm vào năm sau đó. 
 Siêu cường quốc thường có chiến lược sắc bén, và vì thế mà bối cảnh kinh tế những năm sắp tới thực sự dù có cố lý giải thì nó vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.  
Phân tích về tình hình của Trung Quốc, tác giả Nicholas R. Lardy trong quyển sách “Nhà nước chi phối trọng tâm (The State Strikes Back), đã giải thích về sự tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc trong giai đoạn trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 – 2009, thực chất là mức tăng trưởng trên cả mức tiềm năng trung hạn của chính bản thân Trung Quốc, và mức đó cũng là kỷ lục của mọi thời đại đối với mọi quốc gia khác trên toàn cầu.
Sự thần kỳ đó được Lardy chỉ ra nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự mất cân đối giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước, cùng với sự mất giá nhanh chóng của đồng nội tệ đã mở đường cho cán cân thương mại nước này thặng dư so với các nước khác. 
Cuộc chiến Mỹ - Trung chưa thấy hồi kết ảnh 1
Chính vì vậy thao túng tiền tệ là vấn đề Trung Quốc đã bị thế giới chỉ trích rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời kỳ quốc gia này trỗi dậy. Bắt đầu từ giữa những năm 1990, Trung Quốc đã ghìm đồng NDT so với đồng USD, nghĩa là giữ cho tỷ giá hối đoái NDT so với USD không thay đổi. Khi USD tăng giá từ giữa những năm 1990 cho đến đầu năm 2002, đã dẫn đến sự tăng giá đáng kể của đồng NDT. 
Thông thường sự tăng giá của đồng nội tệ sẽ làm cho hàng hóa của một quốc gia trở nên kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong khi hàng nhập khẩu vào thị trường nội địa trở nên cạnh tranh hơn, do đó thường làm giảm thặng dư thương mại hiện tại, hoặc tạo ra thâm hụt thương mại lớn hơn.
Nhưng điều đó đã không xảy ra trong trường hợp của Trung Quốc, vì gia tăng năng suất trong lĩnh vực thương mại đã làm giảm giá thành của tất cả hàng hóa nội địa xuất khẩu, cả những hàng hóa đang chịu cạnh tranh với hàng nhập khẩu, và sự gia tăng của năng suất đã gần như bù đắp được cho sự tăng giá thực sự của đồng tiền nội tệ Trung Quốc.
Nhưng từ đầu năm 2002, đồng USD dần mất giá nên đồng NDT bị mất giá theo. Sự kết hợp giữa mất giá đồng nội tệ này và liên tục cải thiện năng suất trong khu vực thương mại Trung Quốc, đã tạo nên sự tăng trưởng nhanh chóng của thặng dư tài khoản vãng lai của quốc gia này. 
Do đó, từ năm 2001, NHTW Trung Quốc đã phải tiến hành mua vào ngoại hối để duy trì tỷ giá giữa đồng NDT đối với đồng USD. Trong trường hợp không có sự can thiệp vào thị trường ngoại hối chính thức, thì nội tệ của một quốc gia có thặng dư thương mại sẽ có xu hướng tự động tăng giá.
Nguồn cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối có thể vượt quá lượng cầu, khiến ngoại tệ giảm giá trị và đồng nội tệ tăng giá. Nhưng NHTW Trung Quốc đã mua vào lượng lớn ngoại hối và cắt đứt cơ chế điều chỉnh này bắt đầu từ năm 2001. Mức mua ngoại hối đỉnh điểm của ngân hàng này là vào năm 2007, với giá trị khoảng 14% GDP, đã đẩy thặng dư cán cân thương mại của Trung Quốc so với GDP lên mức cao đỉnh điểm đúng vào năm đó.
Sự can thiệp vào thị trường ngoại hối của NHTW Trung Quốc trong giai đoạn này thể hiện rõ qua dự trữ ngoại hối, trong năm 2003 mức dự trữ này là 400 tỷ USD, và năm 2014 đã là 3.843 tỷ USD. 
Việc mua vào ngoại hối làm tăng đáng kể nguồn cung tiền trong nước. Để tránh lạm phát, NHTW Trung Quốc đã bù đắp phần lớn sự gia tăng cung tiền bằng cách gia tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ này đã tăng từ mức 7% lên mức 21,5%.

Và giờ đây Mỹ chính thức cáo buộc 
Trong cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, phía Mỹ cũng chỉ ra mục đích của hành vi thao túng này là để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế, và đe dọa thêm rằng, tới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ sẽ phối hợp với  IMF để loại bỏ những lợi thế Trung Quốc đạt được nhờ vào biện pháp thao túng tiền tệ này. 
Không có gì đáng ngạc nhiên, NHTW Trung Quốc đã mạnh mẽ bác bỏ những tuyên bố của Mỹ, khẳng định chưa từng và sẽ không sử dụng tỷ giá nội, ngoại tệ để đối phó với xung đột thương mại, và khẳng định tỷ giá của đồng NDT luôn được xác định bởi chính cung cầu thị trường. 
Trong báo cáo dài 43 trang trình lên quốc hội về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra những vấn đề của chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của đồng NDT.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng các hàng rào phi thuế quan, cơ chế phi thị trường, trợ cấp nhà nước và các biện pháp phân biệt đối xử khác, góp phần làm sai lệch các mối quan hệ thương mại và đầu tư. Đồng thời kêu gọi Trung Quốc tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các công nhân và công ty Mỹ, mở rộng vai trò của thị trường.
Báo cáo này cũng nêu rõ, Bộ Tài chính Mỹ ước tính sự can thiệp trực tiếp của Trung Quốc vào thị trường ngoại hối của NHTW Trung Quốc. Cụ thể, nửa cuối năm 2018, ngân hàng này đã bán ròng khoảng 38 tỷ USD trên thị trường ngoại hối, làm cho đồng NDT mất giá khoảng 10% so với đồng USD từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 11. Tính đến tháng IV-2019, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc được định giá là 3.100 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức dự trữ tiêu chuẩn thông thường. 
Những mâu thuẫn tầm nhìn chính sách 
Mỹ - Trung đều là những nền kinh tế siêu cường. Để đạt đến đỉnh điểm luôn có sự đóng góp to lớn của chính sách. Mặc dù vậy, Mỹ - Trung thực sự có rất nhiều điểm hoàn toàn trái ngược. Nổi bật nhất có thể nói đến đó là bàn tay vô hình của Adam Smith.
Mỹ luôn đề cao vai trò của nền kinh tế thị trường, và không ủng hộ việc bàn tay vô hình của thị trường bị trói sau lưng. Trung Quốc đã đi lên bằng con đường chủ yếu dựa vào tăng năng suất, trong đó nhà nước đóng vai trò trọng tâm, chi phối đôi khi bên cung lẫn bên cầu.
Thật khó hiểu nếu một ai đó mong muốn tài sản của mình có giá trị thấp đi, nhưng thao túng tiền tệ trong câu chuyện của Trung Quốc lại có dáng dấp như vậy, nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, bởi lẽ giá hàng hóa xuất khẩu luôn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái.
Và khi lực cung hay cầu trên thị trường ngoại hối có sự tham gia của chính phủ, đến nỗi khi cung đang át cầu thì bị bẻ ngược thành cầu át cung trên thị trường ngoại hối, thì đó rõ ràng là một điển hình của sự yếu thế trong vai trò thị trường. 
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc ổn định trong quý đầu tiên của năm 2019, với mức tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng trưởng của quý IV-2018, là mức tăng trưởng hàng quý chậm nhất của Trung Quốc kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tăng trưởng của nước này được duy trì là nhờ các biện pháp kích thích liên tục và mở rộng tín dụng.
Thặng dư thương mại Trung Quốc và Mỹ đang mất cân bằng kỷ lục, đáng lưu ý là hàng hóa Mỹ năm 2018 nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ đạt 120 tỷ USD. Và tranh chấp thương mại có thể khiến Trung Quốc phải tìm nhiều biện pháp để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, hướng về mục tiêu chiến lược “Một vành đai, một con đường”, mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra. 

Các tin khác