“Con đường tơ lụa” Nhật Bản-Ấn Độ

(ĐTTCO) - Trong lúc Trung Quốc đang ráo riết mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của mình ở khu vực Âu Á và châu Phi thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, Ấn Độ và Nhật Bản lại đang khởi xướng và đẩy mạnh những sáng kiến phát triển quốc tế của riêng họ.
 

Chỉ vài ngày sau Diễn đàn Vành đai và Con đường hoành tráng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra mắt một sáng kiến được gọi là Hành lang Tăng trưởng Á Phi (AAGC) tại một cuộc họp của Ngân hàng Phát triển châu Phi ở thành phố Gujarat (Ấn Độ). Được định hình trong một cuộc họp giữa ông Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 11-2016, quan hệ đối tác này dự kiến sẽ nhận được thêm động lực nữa vào tháng 9 khi ông Abe có chuyến công du Ấn Độ.

Theo báo The Indian Express, mục tiêu của AAGC là để hội nhập tốt hơn các nền kinh tế của Nam, Đông Nam, và Đông Á với châu Đại Dương và châu Phi. Ý tưởng là tạo ra một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở bằng cách khám phá lại các tuyến đường biển cổ đại và tạo ra các hành lang biển mới. Thực tế AAGC được định hình là một loạt tam giác kinh tế phần lớn dựa trên biển mà sẽ kết nối các thành phố và các trung tâm sản xuất khác trên khắp các khu vực được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh chóng và trở thành những tâm điểm tăng trưởng kinh tế tiếp theo của thế giới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kiểm tra tại nhà máy sản xuất tàu siêu tốc ở Kobe, tỉnh Hyogo. 
Châu Phi có nhiều khả năng sẽ là biên cương kế tiếp của sự phát triển, với các nền kinh tế của nhiều nước đang tăng trưởng ở mức 7-10%/năm. Trung Quốc đã hoạt động hết sức tích cực trong khu vực này, với thương mại tăng trưởng lên tới 188 tỷ USD vào năm 2015. Dù giới quan sát nhận định một trong những mục tiêu chính của AAGC là cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đang trỗi dậy nhanh chóng này của thế giới, song một cựu đại sứ Ấn Độ được hãng tin IANS dẫn lời cho biết AAGC không cạnh tranh với Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
“2 sáng kiến này hoàn toàn khác nhau. Từ lâu trước khi có Vành đai và Con đường, Ấn Độ và Nhật Bản đã làm việc riêng rẽ ở châu Phi và đã nói chuyện với nhau về châu Phi” - Rajiv Bhatia, Cao ủy đặc trách Nam Phi và Kenya của Ấn Độ, chia sẻ.
Ấn Độ và Nhật Bản cảm thấy rằng bằng cách tăng cường hợp tác với châu Phi, 2 nước có thể giúp đỡ lẫn nhau và châu Phi. 2 nước đang xúc tiến AAGC theo cách riêng và tốc độ riêng. Ấn Độ từ tháng 5 đã từ chối một phái đoàn chính thức tới Bắc Kinh tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường, phản ánh sự bất mãn với Trung Quốc về việc nước này phát triển hành lang thương mại 57 tỷ USD đi qua Pakistan và cũng băng ngang khu vực Kashmir đang tranh chấp.

Nhật Bản và Ấn Độ, vốn trở thành quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, đang nhanh chóng tăng cường mối quan hệ kinh tế và an ninh trong những năm qua. Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia duy nhất Ấn Độ cho phép thâm nhập vào khu vực chính trị nhạy cảm Bắc Ấn.
Tại khu vực này, Tokyo đang đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế-xã hội. Kể từ năm 1981, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho khu vực này những khoản vay để phát triển lĩnh vực năng lượng, cung cấp nước, khai thác rừng và phát triển đô thị. Cuộc gặp thượng đỉnh Ấn Độ-Nhật Bản năm 2016 đã dự báo một vai trò quan trọng hơn đối với 2 nước trong khu vực. Do chia sẻ tầm nhìn chung về nền dân chủ và không có những tranh cãi lịch sử như Trung Quốc, Hàn Quốc, nên Nhật Bản và Ấn Độ là đồng minh tự nhiên và sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác về kinh tế, chiến lược và quốc phòng.

Các tin khác