Chu kỳ 10 năm khủng hoảng tài chính

(ĐTTCO) - Cách đây 10 năm, ngày 15-9-2008, ngân hàng lớn thứ tư của Hoa Kỳ Lehman Brothers - nạn nhân của khủng hoảng tín dụng địa ốc - tuyên bố phá sản, để lại một khoản nợ khổng lồ gần 700 tỷ USD. Hệ thống tài chính thế giới sụp đổ, kéo theo cỗ xe kinh tế toàn cầu. 

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngân hàng Lehman Brothers phá sản, kéo theo 29 quốc gia vào cơn bão tiền tệ, từ Iceland đến Tây Ban Nha, Hy Lạp. Chính quyền tại các quốc gia 2 bên bờ Đại Tây Dương đưa ra hàng loạt biện pháp cứu trợ hàng ngàn tỷ USD. Riêng tại Hoa Kỳ, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy vụ Lehman Brothers vỡ nợ đẩy nền kinh tế số 1 thế giới vào suy thoái. 10.000 người mất nhà, 8 triệu người mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 lên tới 10%. 
Một sự kiện hãn hữu tại Hoa Kỳ cũng xảy ra khi nhà nước phải can thiệp vào các hoạt động kinh tế, chẳng hạn như quốc hữu hóa một phần ngành công nghiệp xe hơi. Thành phố Detroit, chiếc nôi của công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ bị tàn phá. 10 năm sau, Detroit đã hồi sinh. Một công ty nhà đất tại thành phố Detroit cho biết nhiều thân chủ người Pháp đã đem tiền đầu tư vào Hoa Kỳ trong giai đoạn 2011-2012 và giờ đây họ trở thành triệu phú. Ở Detroit, giá nhà đất giờ đây cao gấp đôi so với thời điểm năm 2006, thời điểm trước khi Lehman Brothers sụp đổ.
Chu kỳ 10 năm khủng hoảng tài chính ảnh 1 Lehman Brothers khi phá sản để lại khoản nợ 700 tỷ USD. 
Nhưng một phần công luận Hoa Kỳ vẫn chưa nguôi. Phong trào bất bạo động Occupy Wall Street phản đối giới tài chính Hoa Kỳ ở New York vẫn thường xuyên xuống đường. Một thành viên của phong trào Occupy Wall Street cho hay: “Tại Hoa Kỳ, 1 đứa trẻ trên 7 tuổi không đủ ăn, trong lúc chính quyền chi ra hàng tỷ USD để cứu giới tài chính Wall Street. Hoa Kỳ cần thay đổi".
Liệu bài học nào từ cuộc khủng hoảng năm 2008 có được rút ra? Câu trả lời là không. David Moonves, người có 15 năm làm việc cho Standard & Poor's, 10 năm với Lehman Brothers và nhiều năm với cơ quan thẩm định tài chính Moody's, cho rằng: “Khủng hoảng thường xuyên xảy ra tại Hoa Kỳ theo chu kỳ 10 năm/lần. Điều đó có nghĩa là chẳng mấy ai rút tỉa được những bài học quá khứ. Có điều thị trường tài chính đã thay đổi. Hầu hết các khoản tín dụng địa ốc đều đáng tin cậy, không lo nổ ra một vụ khủng hoảng địa ốc khác”. Nhưng điều đó không ngăn cản tài chính Hoa Kỳ đang đứng trước một mối đe dọa khác, đó là đe dọa sinh viên vỡ nợ, bởi có những nét tương đồng giữa nợ sinh viên Hoa Kỳ ngày nay với nợ địa ốc hơn 10 năm trước.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đánh giá quốc tế đã khắc phục được nhiều sai lầm trong quá khứ. Nâng cao mức an toàn của các ngân hàng, đặt ra nhiều hàng rào kiểm soát trong các hoạt động mua đi bán lại các sản phẩm tài chính… Có điều, các biện pháp đó vẫn là chưa đủ, chưa kể những hàng rào an toàn được đề ra cách đây 10 năm đang bị chính quyền Hoa Kỳ từng bước dỡ bỏ. 
Nhiều ngân hàng đặc biệt là tại châu Âu vẫn yếu kém. Ngoài ra, IMF đặc biệt quan ngại trước hiện tượng các hoạt động tài chính không chính thức, hoàn toàn ngoài vòng kiểm soát của các giới chức tiền tệ ngày càng gia tăng. Chỉ riêng Trung Quốc, theo cơ quan thẩm định tài chính Hoa Kỳ Moody's, cỗ máy tài chính ngoài vòng kiểm soát của ngân hàng trung ương và Bắc Kinh lên tới 7.900 tỷ USD vào cuối tháng 6-2018. Và 10 năm sau Lehman Brothers, vẫn chưa có một cơ quan nào được lập ra để thẩm định về mức độ độc hại của các khoản nợ xấu, của những sản phẩm tài chính được mua đi bán lại trên các sàn chứng khoán...

Các tin khác