Chợ Xóm Chiếu nhìn từ Lau Pa Sat Singapore

(ĐTTCO) - Cuối năm 2017, tại TPHCM xuất hiện dự án căn hộ có cái tên khá thú vị “The Tresor” - một sự kết hợp của hai ngôn ngữ nước ngoài bởi “The” là mạo từ trong tiếng Anh còn “Tresor” là danh từ tiếng Pháp, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “kho tàng”. Cái “kho tàng” này tọa lạc ven sông Sài Gòn và nằm trên đường Bến Vân Đồn, quận 4 cách chợ Bến Thành 2km. 

Không rõ chủ đầu tư có hàm ý gì khi đặt cái tên The Tresor  cho dự án, nhưng với tôi, người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn với những kỷ niệm thời ấu thơ và tuổi học trò gắn bó với mảnh đất nghèo quận 4, hai tiếng “kho tàng” gợi mở những cuộc hành trình khai phá vươn đến những chân trời mới.
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con ở khu lao động nghèo quận 4. Năm 1965, ba má tôi lên Sài Gòn lập nghiệp sau khi đã có 4 người con sinh ở Long An. Lúc đầu ở thuê, sau đó nhờ làm nghề giáo ba tôi được cấp mảnh đất nhỏ cạnh trường học để xây dựng nơi ăn chốn ở. Không rõ câu thành ngữ “Ăn quận năm, nằm quận ba, hát ca quận một, trấn lột…quận tư” chính xác đến độ nào, nhưng quả thật, khu xóm mang tên Lò Bún phía sau nhà tôi là điểm hẹn của giang hồ, trộm cướp và tệ nạn xã hội. 
Tôi vào đại học, ra trường đi làm ở một ngân hàng thương mại quốc doanh có trụ sở tại quận 1, và sau đó bôn ba nơi đất khách quê người lúc 28 tuổi. Ngôi nhà cạnh trường học nơi 9 anh chị em chúng tôi có biết bao kỷ niệm cũng được giải tỏa, khiến “địa bàn hoạt động” của tôi mỗi lần về Việt Nam công tác kết hợp thăm nhà chủ yếu là quận 1, quận 3. Cái ám ảnh về quận đô thị nghèo khó hồi xưa vẫn còn đó.
Chợ Xóm Chiếu nhìn từ Lau Pa Sat Singapore ảnh 1 Trung tâm ăn uống Lau Pa Sat ở Singapore mở liên tục cả ngày lẫn đêm. 
Nhưng những trải nghiệm khi có dịp về lại quận 4 trong chuyến công tác vừa rồi, với việc tiếp cận một số dự án bất động sản, trong đó The Tresor, đã làm thay đổi cái nhìn của tôi. Giờ đây quận 4 xuất hiện nhiều người nước ngoài đến du lịch, làm việc, mở cơ sở kinh doanh. Những món ăn khoái khẩu của anh em tôi hồi xưa như bò né trên đường Nguyễn Trường Tộ, hay hủ tiếu Nam Vang trên đường 20 Thước, giờ đây được du khách trong và ngoài nước biết đến. Quận 4 nay có thêm nhiều “địa chỉ đỏ” về ẩm thực mới mà giới trẻ và người nước ngoài tìm đến. 
Trong cái nắng chang đầu tháng 4, sau khi thưởng thức tô mì hoành thánh trong tiệm mì trên đường Lê Quốc Hưng, tôi lang thang sang chợ Xóm Chiếu, và khi bước vào trong nhà lồng chợ không thể cưỡng lại lời mời ăn ly chè đá thập cẩm chỉ 15.000 đồng. Tiếc là trước đó tôi đã lỡ ăn quá no nên chỉ có thể thưởng thức món chè, vì còn rất nhiều món ngon trong chợ, nào là bún mắm, bún nước lèo, hủ tiếu, bánh canh... Món nào cũng hấp dẫn mời gọi và khó cưỡng.
Xét về mặt cảnh quan, chợ Xóm Chiếu chưa thể sánh bằng nhiều khu ẩm thực ở Singapore. Nhưng cái không gian đặc thù của khu chợ mua bán truyền thống từ mấy chục năm nay, cùng với những món ăn ngon sẽ lôi kéo du khách đến đây để trải nghiệm những điều nơi họ đang sống không có. Bởi lẽ, du khách ngày nay đi đây đi đó không chỉ quan tâm đến cảnh quan hay các công trình kiến trúc lịch sử văn hóa, họ còn muốn những trải nghiệm chân thực trong cuộc hành trình, và đó chính là những sản phẩm du lịch. 
Theo Michael M Coltman, tác giả cuốn sách nổi tiếng Introduction to Travel and Tourism (Dẫn nhập về Lữ hành và Du lịch), sản phẩm du lịch là tổng thể gồm những thành phần không đồng nhất hữu hình và vô hình. Đó có thể là món hàng cụ thể như  thức ăn hoặc món hàng không cụ thể như chất lượng dịch vụ, bầu không khí tại điểm tham quan… Với định nghĩa này, quận 4 có rất nhiều sản phẩm du lịch dành cho du khách thập phương vẫn còn ẩn giấu chưa được khai thác. 
Nếu có thể, tôi kiến nghị cơ quan chức năng địa phương xem xét khả năng nâng cấp hay chuyển hóa chợ Xóm Chiếu thành thiên đường ẩm thực, tương tự khu ăn uống Lau Pa Sat ở Singapore. Khu ăn uống này được mở liên tục cả ngày lẫn đêm (24/7) trước đây là khu chợ cũ tương tự chợ Xóm Chiếu.
Lau Pa Sat tiếng Phúc Kiến có nghĩa là Chợ Cũ, nay đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Singapore. Tọa lạc tại ngay trung tâm của khu tài chính, hình dạng bát giác khác lạ và những cột trang trí cùng các mái vòm cao, mái ngói xếp lớp và những cây cột theo phong cách thời Victoria mảnh mai, với những chi tiết hoa văn trang trí tinh xảo phía trên...
Thật ra, những trung tâm ẩm thực thiết kế, xây dựng và tổ chức theo mô hình  Food Court hay  hay Street Food Market của Singapore, Hồng Công hay Đài Loan, cũng không phải là mới và đã xuất hiện ở nhiều nơi ở TPHCM. Những đường phố ẩm thực như Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, xóm Nhà Lá (82 Nguyễn Huệ, quận 1), Coco 5 - Bangkok Street Market (68 Nguyễn Huệ)… đã trở thành những điểm đến quen thuộc trong và ngoài nước khi muốn tận hưởng của ngon vật lạ mang bản sắc Việt Nam. Nhưng một trung tâm ẩm thực bằng cách khai thác bề sâu văn hóa và lịch sử cộng đồng địa phương tại chợ Xóm Chiếu, sẽ tạo luồng sinh khí mới cho đời sống kinh tế chính trị xã hội tại quận 4. 
Dĩ nhiên, để biến ý tưởng nói trên thành hiện thực, cần rất nhiều nỗ lực và thời gian, từ tầm nhìn và ý chí lãnh đạo đến việc triển khai thực hiện của các cơ quan và doanh nghiệp có liên quan và sự hợp tác của người dân. Nhưng tôi tin rằng với việc khai thác tiềm năng du lịch với những giải pháp kinh tế chính trị xã hội phù hợp lòng dân, diện mạo của quận 4 sẽ thay đổi, xứng đáng với địa danh của vùng đất Cảng Nhà Rồng, nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành cách đây 108 năm đã bước lên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville ra đi tìm đường cứu nước.

Các tin khác