sinh viên nước ngoài vào hoa kỳ giảm

Chính sách nhập cư hay tài chính?

(ĐTTCO) - Du học sinh nước ngoài đã mang lại hơn 32 tỷ USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm học 2015-2016, năm học 2016-2017 lần đầu tiên số sinh viên nước ngoài tại các trường đại học của Hoa Kỳ tăng trên 1 triệu sinh viên. 
 
Thế nhưng, trong năm học 2017-2018 số sinh viên nước ngoài đến Hoa Kỳ đã bắt đầu giảm. Vì sao?
Lo ngại 
Một cuộc khảo sát với hơn 250 trường đại học do Hiệp hội Đăng ký và Tuyển sinh đại học Hoa Kỳ (AACRAO) thực hiện đầu năm nay, cho thấy gần 40% các trường đại học báo cáo số sinh viên quốc tế nộp đơn đăng ký đang giảm sút, đặc biệt là các sinh viên ở khu vực Trung Đông. Cuộc khảo sát mới nhất tiến hành vào tháng 5 và 6 ở 112 trường đại học và cao đẳng có đến 48% số sinh viên nước ngoài đăng ký năm học 2017-2018 giảm, trong đó sinh viên đến từ Trung Đông, Bắc Phi giảm nhiều nhất - 39%, kế đến là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... 
Không chỉ mang lại nguồn thu hàng chục tỷ USD, sinh viên nước ngoài được xem là những sứ giả tương lai của nền văn hóa Hoa Kỳ. Bởi họ mang lại sự đa dạng cho nền văn hóa Hoa Kỳ, giúp sinh viên Hoa Kỳ tiếp cận các nền văn hóa khác ngay chính trên quê hương mình, sinh viên Hoa Kỳ sẽ không phải gặp cú sốc văn hóa khi làm việc tại các quốc gia khác.
Chính vì vậy việc sinh viên nước ngoài giảm đang gây lo ngại cho các nhà xây dựng chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ, còn các cơ quan chính phủ và dư luận đang tranh cãi về nguyên nhân gây ra tình hình này. 
Có ý kiến đổ lỗi cho chính sách nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump. 6 quốc gia bị hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ năm ngoái đã có 15.000 sinh viên theo học các trường đại học và cao đẳng của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, sau khi xảy ra những xung đột phân biệt chủng tộc, rất nhiều sinh viên quốc tế giờ đây xem Hoa Kỳ không còn chào đón nồng ấm sinh viên đến từ các quốc gia khác.
Tuy nhiên, những người ủng hộ chính phủ khẳng định nguyên nhân lớn vẫn là tài chính. Bởi tỷ lệ học sinh Trung Quốc chiếm đến 42% du học sinh quốc tế, nhưng năm nay con số đó đang giảm, do Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và nhiều quốc gia khác cũng gia tăng cạnh tranh thu hút du học sinh nước ngoài như Canada, Australia, New Zealand, Anh…

Mất nguồn kinh phí lớn
Hiện các trường đại học ở Hoa Kỳ đang kêu cứu chính phủ, bởi du học sinh nước ngoài rất quan trọng đối với đất nước. Các nhà phát triển nguồn nhân lực cũng không kém phần lo lắng sẽ mất một nguồn nhân tài từ Trung Quốc và Ấn Độ, 2 nước cung cấp hơn một nửa sinh viên nước ngoài tại Hoa Kỳ. Theo kết quả khảo sát, 1/4 trường đại học có số sinh viên mới từ Trung Quốc giảm, 32% có số sinh viên sau đại học từ Trung Quốc giảm; tương tự từ Ấn Độ giảm lần lượt là 26% và 15%. Trong khi 2 nước này không hề bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cư mới của ông Donald Trump. 
Chính sách nhập cư hay tài chính? ảnh 1 Biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump.
Không chỉ các các chuyên gia giáo dục lo ngại nguồn nhân lực, mà cả chuyên gia kinh tế đều không thể làm ngơ trước tình hình này. Chỉ năm ngoái thôi, sinh viên Trung Quốc đã đóng góp 11 tỷ USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ, sinh viên Ấn Độ đóng góp 5 tỷ USD. Sinh viên nước ngoài đã chi trả toàn bộ các loại học phí, trong đó có tất cả những chi phí như xây dựng cơ sở vật chất, giáo trình… và vì vậy họ đã giúp bù đắp học phí cho chính sinh viên của Hoa Kỳ. 
Có ý kiến cho rằng du học sinh chỉ chiếm 5% sinh viên học sinh tại Hoa Kỳ, vậy có cần thiết phải lo lắng không? Nhưng điều đáng nói là sinh viên Hoa Kỳ sang Canada học tăng lên 50% so với năm ngoái - theo báo cáo mới nhất của các trường đại học Canada. Đáp trả chính sách cấm nhập cư mới của Hoa Kỳ, Canada tuyên bố mở rộng cửa cho người nước ngoài, trong đó có du học sinh.
Các trường đại học Canada chưa có báo cáo chính thức nhưng nhiều trường thông tin con số rất khả quan. Thí dụ như Đại học Ryerson ở Toronto cho biết năm nay sinh viên quốc tế tăng 50% so với năm ngoái, trong đó sinh viên từ Ấn Độ tăng 70%, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ tăng 60%. 
Trước tình hình đó, một số tổ chức tài chính Hoa Kỳ cho biết đã có kế hoạch đứng sau lưng các trường đại học cao đẳng. Nghĩa là họ muốn cho sinh viên quốc tế vay tiền học. Prodigy Finance, một tổ chức tín dụng vừa thông báo để dành một khoản vay lên đến 400 triệu USD cho sinh viên nước ngoài vay trong năm nay và một ngân hàng giấu tên cũng đảm bảo khoản tín dụng 200 triệu USD cho sinh viên vay học tại Hoa Kỳ.
Thậm chí các thủ tục vay cũng đơn giản tối đa như không cần chứng minh lịch sử tín dụng - một trở ngại lớn nhất đối với sinh viên nước ngoài khi muốn vay tiền trang trải học phí. Hiện tại Prodigy đã cho khoảng 7.100 sinh viên vay vốn với con số hơn 325 triệu USD.
 (Theo NYT, The Atlantic)

Các tin khác