Thư Singapore

Chiến lược ổn định nhập khẩu gạo

Chính phủ Singapore vẫn theo dõi sát tình hình vụ mùa sắp tới để đảm bảo nguồn cung ứng và giá cả gạo ổn định. Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc vụ khanh đặc trách Công Thương, ông Lee Yi Shyan, với người tiêu dùng Singapore.

Chính phủ Singapore vẫn theo dõi sát tình hình vụ mùa sắp tới để đảm bảo nguồn cung ứng và giá cả gạo ổn định. Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc vụ khanh đặc trách Công Thương, ông Lee Yi Shyan, với người tiêu dùng Singapore.

Ông Lee cho biết trước mắt Singapore sẽ mở rộng mạng lưới cung cấp bằng cách nhập thêm gạo từ Việt Nam, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Đa dạng hóa nhập khẩu sẽ làm giảm thiểu những tác động tiêu cực do việc tăng giá gạo thơm Thái Lan mà người Singapore vốn ưa chuộng.

Kể từ tháng 1 năm nay, giá gạo thơm Thái Lan đã tăng 9%, một phần do hậu quả lũ lụt ảnh hưởng đến vụ mùa và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu gạo của Singapore chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong giao dịch mua bán gạo toàn cầu với 1% trong năm ngoái.

Mức nhập khẩu thấp cũng giúp Singapore dễ dàng xử lý nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước bằng cách tìm kiếm các nhà cung cấp khác. Phân nửa trong số gạo nhập khẩu của Singapore là từ Thái Lan, mặc dù nhu cầu này chỉ chiếm không quá 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan.

Khi mua hàng tại NTUC Fairprice người dân được tư vấn về chất lượng các loại gạo.

Khi mua hàng tại NTUC Fairprice người dân
được tư vấn về chất lượng các loại gạo.

Theo nhật báo Singapore The Straits Times (TST), giá gạo Thái Lan có thương hiệu được người Singapore yêu thích như Heavenly và Golden Phoenix đã tăng thêm 1-2SGD/kg. Nhà nhập khẩu loại gạo này, ông See Hoy Chan, cho biết nếu tình trạng tăng giá tiếp tục khó có thể kéo dài được việc nhập khẩu gạo của Thái Lan.

Tuy nhiên, NTUC Fairprice, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất Singapore khẳng định dù giá gạo có tăng đến 10%, giá bán cho người tiêu dùng các loại gạo có đóng nhãn mác của NTUC Fairprice đều không tăng kể từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, giá loại gạo thơm hương lài của Việt Nam sẽ không đổi cho đến tháng 2 năm tới.

Tập đoàn Dairy Farm Singapore sở hữu các chuỗi siêu thị Cold Storage, Giant, Shop N Save cũng cam kết không tăng giá từ nay cho đến cuối năm. Còn siêu thị bình dân Sheng Siong được học sinh-sinh viên Việt Nam và người tiêu dùng có thu nhập thấp hay lui tới, cũng cho biết các loại gạo đóng nhãn mác của mình sẽ ổn định từ nay cho đến giữa tháng 1 năm tới.

Theo Bộ trưởng Lee tình hình thị trường nhập khẩu của Singapore khá yên ả, bất chấp tình hình lũ lụt tại Thái Lan. Trong trường hợp các nhà cung cấp nước ngoài tăng giá, các nhà nhập khẩu Singapore có khả năng chờ 1-2 tháng và chỉ ký tiếp hợp đồng khi thấy giá cả hợp lý.

Hiện tại, NTUC Fairprice đã dự trữ gạo Thái Lan cho 3 tháng và gạo thơm hương lài Việt Nam 4 tháng. Dù sao, gạo Thái vẫn luôn được người Singapore quan tâm và chiếm 3/4 lượng gạo bán tại siêu thị của NTUC. Nhưng tin vui cho nhà xuất khẩu gạo Việt Nam là tỷ lệ người Singapore thích ăn gạo Thái Lan giờ đây đang trong xu hướng giảm.

Theo Tổng giám đốc NTUC Fairprice, ông Seah Kien Peng, năm 2007, 95% gạo bán trong siêu thị NTUC là của Thái Lan, còn bây giờ người tiêu dùng phát hiện gạo Việt Nam vừa ngon vừa rẻ. Trong năm ngoái, Singapore nhập 310.135 tấn gạo, trong đó 53% từ Thái Lan, 26,2% Việt Nam và 13,8% Ấn Độ…

Ngoài việc nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau, ông Lee cũng cho biết Singapore đã có chính sách dự trữ gạo ít nhất 2 tháng để phòng ngừa tình huống xấu nhất. Hiện tại, Bộ Công Thương Singapore (MTI) đang làm việc với các siêu thị và nhà bán lẻ để phổ biến kiến thức về các loại gạo có chất lượng, cũng như các loại lương thực khác ngoài gạo mà người tiêu dùng xem như một sự lựa chọn dinh dưỡng lành mạnh thứ hai.

Nhờ chính sách dự trữ này được thông tin kịp thời và thường xuyên, người dân Singapore không hoảng loạn và tránh được tình trạng đầu cơ tích trữ.

Singapore, ngày 4-11-2011

Các tin khác