Chiến dịch Made in America bị chỉ trích

(ĐTTCO) - “Cháy đâu? Để tôi dập tắt đám cháy” - là câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi nhảy lên chiếc xe cứu hỏa do bang Wisconsin sản xuất  nhằm quảng bá Tuần lễ Made in America (hàng hóa sản xuất tại Hoa Kỳ). 
Chính quyền của Tổng thống Trump phát động sự kiện này để nêu bật tầm quan trọng của lĩnh vực chế tạo sản xuất nội địa và quảng bá những chính sách nhằm mang về Hoa Kỳ những việc làm đã từng khoán cho nước ngoài trước đây.
Các sản phẩm được trưng bày trong khuôn viên Nhà Trắng gồm những sản phẩm đến từ tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, từ những du thuyền sản xuất ở bang Maine cho tới rượu rum làm ở Hawaii. Ngay cả máy bay trực thăng của Tổng thống, Marine One, cũng được trưng bày để cổ vũ cho ngành sản xuất chế tạo bang Connecticut.
Cùng ngày, Tổng thống Trump đặt bút ký một văn kiện, tuyên bố ngày 17-7 hàng năm là “Ngày hàng hóa sản xuất ở Hoa Kỳ”. Theo ông Trump, công đoạn khó khăn nhất đã hoàn tất bởi chính quyền của ông đã tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý. “Trong nhiều thập niên, Washington đã cho phép các nước khác xóa bỏ hàng triệu việc làm của người Hoa Kỳ qua những cách làm ăn bất công. Hãy chờ xem những gì diễn ra” - Tổng thống Trump phát biểu.
Chiến dịch Made in America bị chỉ trích ảnh 1 Tổng thống Donald Trump trên xe cứu hỏa quảng bá Tuần lễ Made in America. 
Tuy nhiên, chiến dịch Made in America của ông Trump lại đang phải đón nhận làn sóng chỉ trích bởi nhiều sản phẩm của gia đình ông Trump sản xuất tại các hãng, xưởng ở nước ngoài. Phía đảng Dân chủ dùng những ngôn từ khá nặng nề khi cho rằng Tuần lễ Made in America của ông Trump là hiện thân của thói đạo đức giả.
Họ cho rằng thay vì thuyết giảng, lẽ ra Tổng thống D.Trump nên cố gắng làm gương cho người khác noi theo. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của đảng Dân chủ, đại diện bang New York, nói: “Nếu quý vị muốn thuyết giảng một điều gì, hãy bắt đầu ngay ở nhà. Những chiếc áo sơ mi và cà vạt mang nhãn hiệu Trump làm ở đâu, Trung Quốc. Đồ nội thất nhãn hiệu Trump làm ở đâu, Thổ Nhĩ Kỳ”. Hàng thời trang mang nhãn hiệu ái nữ Tổng thống, Ivanka Trump, cũng được sản xuất ở nước ngoài. 

Một sự thực khó có thể biện minh đã được các phóng viên liên tục nêu lên tại cuộc họp báo cấm ghi hình ở Nhà Trắng. Nói về điều này, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer lý giải: “Có thể một số sản phẩm không thể sản xuất hữu hiệu ở đây vì quy mô hoặc nhu cầu tại Hoa Kỳ. Nhưng cũng như bao nhiêu sản phẩm khác, nếu có nhu cầu và đủ nhu cầu, hy vọng một ai đó sẽ xây một cơ xưởng và chế tạo ra sản phẩm đó”.

Các nhà phân tích thương mại cho rằng điều đó không đơn giản như vậy bởi vì nền kinh tế toàn cầu giờ đây đang nối kết với nhau. Nhà nghiên cứu Daniel Ikenson, thuộc Viện CATO, nhận định các hãng, xưởng đã vượt ra ngoài 4 bức tường của chúng và giờ trải dài, xuyên các biên giới và các đại dương. Vì vậy, các  sản phẩm hoàn chỉnh giờ được bày bán tại một gian hàng bán lẻ ở Hoa Kỳ có xu hướng bao gồm những bộ phận hay thành phần giá trị gia tăng, làm tại 5, 6 hoặc 10 quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, các nhà làm chính sách tại Nhà Trắng dường như không được thuyết phục bởi những lập luận đó và vẫn một mực theo đuổi nghị trình của mình là bảo vệ hàng hóa Hoa Kỳ và ngành sản xuất nội địa. Nghị trình này tìm cách lật ngược kết quả làm việc của nhiều chính phủ thuộc cả 2 đảng trong nhiều thập niên qua: cùng phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ để cổ vũ cho thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại đa phương.

Các tin khác