Châu Âu trấn an các ngành công nghiệp vì Trung Quốc

(ĐTTCO)-Khi kết nối chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng phải xoa dịu lo ngại cho rằng các nhà xuất khẩu Đại lục sẽ làm tổn thương hàng loạt ngành công nghiệp của EU, từ thép đến năng lượng mặt trời.
 
Châu Âu trấn an các ngành công nghiệp vì Trung Quốc
Theo Bloomberg, thành viên Ý Salvatore Cicu của Nghị viện châu Âu cho hay khối này vẫn duy trì phạm vi áp thuế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá ở EU theo kế hoạch cải cách thuế. Châu Âu đang xem xét lại cách tính thuế đối với hàng nhập khẩu bị bán phá giá từ nước này vì Trung Quốc đang yêu cầu được đối xử tốt hơn về mặt thương mại.
“Chúng tôi muốn gửi thông điệp chính trị, đặc biệt là đến Trung Quốc, rằng chúng tôi mở cửa trong thương mại, nhưng các ngành công nghiệp của EU không nên vì thế mà bị ảnh hưởng. Chúng tôi có thể tìm ra cách thỏa hiệp ổn thỏa”, ông Cicu cho biết tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp).
Tại cuộc họp vừa diễn ra hôm 1 và 2.6 ở Brussels (Bỉ), giới lãnh đạo châu Âu và Đại lục tiếp tục mở đường hướng tới quan hệ thương mại, đầu tư chặt chẽ hơn. EU muốn thiết lập quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn mà không kích thích làn sóng chủ nghĩa dân túy, vốn đã và đang chống lại ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa lên các ngành công nghiệp và người lao động.
Cùng lúc, EU cũng nói với Trung Quốc rằng gia tăng thương mại với châu Âu trước tiên đòi hỏi rào cản ít hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Đại lục. Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết khối này đang chờ những lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 1 thành hiện thực.
Bất đồng về mặt thương mại khiến EU, Trung Quốc không thể đưa ra tuyên bố đầu tiên về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch tại hội nghị ở Brussels. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU, sau Mỹ, song lại bị xếp vào nhóm các nước như Belarus, Triều Tiên không có nền kinh tế thị trường theo tiêu chuẩn châu Âu và đối mặt với thuế chống bán phá giá của EU nhiều nhất trên thế giới.
Để ngăn chặn hàng bán phá giá “made in China”, EU đưa ra dự thảo luật theo công thức đặc biệt để tính thuế chống bán phá giá với các nước thường xuyên bị xem là can thiệp đáng kể vào thị trường. Dự thảo luật trên cho phép Ủy ban châu Âu (EC) báo cáo về vấn đề can thiệp thị trường, giúp các ngành công nghiệp châu Âu khiếu nại về tình trạng bán phá giá.

Các tin khác