Châu Âu lo âu từ Hy Lạp

Sau khi thất bại trong việc thành lập chính phủ mới, các nhà chính trị Hy Lạp quyết định hủy kết quả bầu cử ngày 6-5 để tiến hành một cuộc bầu cử mới vào tháng tới. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble gọi việc tái bầu cử là một cuộc trưng cầu dân ý về việc Hy Lạp có nên rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu hay không.

Sau khi thất bại trong việc thành lập chính phủ mới, các nhà chính trị Hy Lạp quyết định hủy kết quả bầu cử ngày 6-5 để tiến hành một cuộc bầu cử mới vào tháng tới. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble gọi việc tái bầu cử là một cuộc trưng cầu dân ý về việc Hy Lạp có nên rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu hay không.

Nguy cơ rời bỏ đồng EUR

Athens tái bầu cử với hy vọng hóa giải được thế bí chính trị hiện nay, sau khi cuộc bầu cử ngày 6-5 không mang lại phần thắng quá 20% cho bất kỳ đảng phái nào. Nếu không sớm thành lập được chính phủ, Hy Lạp sẽ không thể tiếp tục triển khai những chính sách khắc khổ như đã thỏa thuận để đổi lấy các gói ứng cứu tổng trị giá 240 tỷ EUR (307 tỷ USD).

Trong khi đó, ngân khố của Athens hiện đã sắp cạn. Tờ Imerisia của Hy Lạp nói rằng chính phủ chỉ còn vỏn vẹn chưa tới 2 tỷ USD trong ngân khố - chỉ đủ để duy trì hoạt động của bộ máy công quyền trong vài ngày.

Cho đến nay, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã công khai bàn tán khả năng rời bỏ khu vực đồng EUR của Hy Lạp. Lần đầu tiên, Thủ tướng Đức Agenla Merkel để ngỏ khả năng này khi nói với báo giới: “Hy Lạp tốt hơn nên ở lại khu vực đồng tiền chung”.

Hãng tin Bloomberg cho biết Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có những bước “chuẩn bị kỹ thuật” cho khả năng xấu nhất xảy ra.

“IMF phải chuẩn bị kỹ thuật cho mọi tình huống” - Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nói trên chương trình truyền hình France24. Những quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) như Patrick Honohan của Ireland và Luc Coene (Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bỉ) cũng nằm trong số những người công khai nói đến khả năng rời bỏ đồng EUR của Hy Lạp.

Nền kinh tế Hy Lạp đã liên tục suy thoái kể từ năm 2008 và dự báo giảm 4,7% trong năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp chạm 19,7% trong năm nay, theo EU.

Lo ngại

Theo nhà phân tích kỳ cựu Clive Crook, việc rời bỏ khu vực đồng EUR có thể là một “thảm họa” cho cả Hy Lạp lẫn toàn EU. Trước hết, rời bỏ đồng EUR đồng nghĩa Hy Lạp phải quay trở lại với đồng drachma, hoặc phát hành một loại tiền tệ mới.

Chưa kể việc quay lại đồng drachma hoặc phát hành tiền mới đều cần một khoảng thời gian khá dài để in tiền, chắc chắn đồng tiền thay thế sẽ có giá trị cực thấp, và điều đó tạo ra sức ép cực lớn lên cả nền kinh tế.

Tính hình phức tạp tại Hy Lạp đang khiến cả châu Âu lo ngại.

Tính hình phức tạp tại Hy Lạp đang khiến cả châu Âu lo ngại.

Đồng tiền rẻ mạt sẽ tăng sức cạnh tranh, nhưng trong cơ cấu nền kinh tế Hy Lạp, xuất khẩu chiếm vị trí rất nhỏ. Trong khi đó, giá cả nhập khẩu sẽ tăng vọt vì đồng nội tệ rẻ, khiến mức sống của người Hy Lạp bị kéo giảm, lương thực tế thấp. Để hồi phục mức sống, Hy Lạp có thể in ra thật nhiều tiền, nhưng sẽ đứng trước nguy cơ siêu lạm phát.

Coene và một số quan chức châu Âu từng khẳng định EU thừa khả năng tài chính để hứng chịu được sự rời bỏ hoặc vỡ nợ toàn diện của Hy Lạp. Điều này có phần đúng, vì nền kinh tế Hy Lạp khá nhỏ so với toàn EU.

Tuy nhiên, vấn đề là với một nền kinh tế nhỏ như vậy nhưng EU bảo vệ cũng không xong, chắc chắn sẽ làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư. Có 2 con đường “lây lan” chính từ việc Hy Lạp rời bỏ EUR.

Một thông qua các khoản nợ nước ngoài của Hy Lạp. Hy Lạp vỡ nợ sẽ “tiêu hủy” hàng loạt khoản đầu tư của các ngân hàng trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề nguy nan hơn, theo Bloomberg View, là khả năng “theo chân” của các nước đang có tình hình tài chính khó khăn khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia…

Vì những nguy cơ này, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu đầu tuần này tỏ dấu hiệu sẽ gia hạn cho Hy Lạp có thêm thời gian triển khai các kế hoạch cắt giảm ngân sách, thay vì “y án” như những thỏa thuận đã thông qua. 

Các tin khác